Khơi dậy tiềm lực trí tuệ Việt tạo sức bật mới cho nền kinh tế

(BĐT) - Nền tảng của khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực ấy chính là giới trí thức, chuyên gia KHCN ở cả trong nước và khắp năm châu. Chúng ta đang có nguồn lực vô giá, nhưng chúng ta chưa kết nối, khai thác, khơi dậy tiềm lực này để tạo sức bật mới cho nền kinh tế.
Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan hữu quan của Việt Nam tập trung nguồn lực, trao đổi, hợp tác với các nhà khoa học, các chuyên gia người Việt trong và ngoài nước xây dựng và phát triển thành công Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam
Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan hữu quan của Việt Nam tập trung nguồn lực, trao đổi, hợp tác với các nhà khoa học, các chuyên gia người Việt trong và ngoài nước xây dựng và phát triển thành công Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng chia sẻ về nguyên nhân thôi thúc Bộ KH&ĐT xây dựng Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, tạo ra sự kết nối chặt chẽ hơn trí tuệ Việt khắp thế giới, chuẩn bị nguồn nhân lực thực hiện Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0. 

Kết nối trí tuệ người Việt trong và ngoài nước

Trong 3 ngày đầu diễn ra Chương trình Kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018, từ cuộc gặp với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, tọa đàm với các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học người Việt đang làm việc tại nước ngoài đều thể hiện nguyện vọng đóng góp tri thức, trí tuệ, kinh nghiệm đã tích lũy được để phục vụ Tổ quốc. Tuy nhiên, để những mong muốn, những nguyện vọng đó sớm thành hiện thực, nhiều ý kiến cho rằng cần sự kết nối chặt chẽ hơn, chia sẻ thông tin thường xuyên hơn về những chính sách, định hướng, những bước chuyển về KHCN hay những nhu cầu hết sức cụ thể của mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương. Từ đó, các chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài có thể chủ động lên kế hoạch tham gia một cách thiết thực, sát với nhu cầu trong nước.

Ông Bùi Hải Hưng, nhà nghiên cứu của Google Deepmind (Mỹ) chia sẻ, ngành AI (trí tuệ nhân tạo) thế giới tương đối “có duyên” với người Việt đang làm về công nghệ. Số người Việt Nam trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực AI không phải là nhỏ, trong đó có những chuyên gia hàng đầu thế giới tại các môi trường hàng đầu như Google, Facebook, Microsoft…, những giáo sư tại các đại học hàng đầu thế giới. Đặc biệt, có những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này đã tương đối thành công. “Dù chúng ta đang có những người mang dòng máu Việt là chuyên gia hàng đầu thế giới về AI, nhưng Việt Nam vẫn chưa có tiếng nói, dấu mốc trên bản đồ AI thế giới”, ông Hưng chia sẻ và cho rằng đó là điều mà chúng ta cần hành động cụ thể để thay đổi.

PGS. TS. Hồ Anh Văn từ Viện Công nghệ khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản cho rằng, công thức thành công của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ là: thành công = năng lực x nhiệt huyết x cách nghĩ. Và nếu các trí thức ở nước ngoài cần sự nhiệt huyết, thì Chính phủ cần có các chính sách cụ thể và các trí thức trong nước cần sự sẵn sàng đón nhận.

Trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học sáng ngày 20/8, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận, Hà Nội khó giữ chân người tài làm việc trong các cơ quan nhà nước vì nhiều nguyên nhân, nổi bật là mức lương không thỏa đáng và môi trường làm việc chưa tạo điều kiện cho nghiên cứu, sáng tạo. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học trẻ đang làm việc ở những nước phát triển với mức lương rất cao chia sẻ với Chủ tịch UBND TP. Hà Nội rằng, họ sẵn sàng đóng góp cho đất nước mà không cần trả thù lao, chỉ cần có cơ hội, cơ chế kết nối hợp tác. Hoặc chỉ vì có thể lan tỏa tác động tích cực tới cộng đồng. Như chia sẻ của Ths. Trần Văn Hinh, thành viên Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp, nguyên tắc chung để thành công của các quốc gia, đó là “lấy văn hóa làm nền tảng của sự kết nối giữa con người với con người, lấy tinh thần dân tộc, niềm tự hào, tự tôn dân tộc làm động lực dấn thân”. 

Mở ra nhiều cơ hội bắt tay giữa doanh nghiệp và nhà khoa học

Đánh giá cao trí tuệ của người Việt trong lĩnh vực KHCN, thấu hiểu tình yêu đất nước và nguyện vọng của cộng đồng trí thức người Việt ở nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để tạo nên sức mạnh thì không thể đứng từng nhóm rời rạc mà phải biết kết nối lại. Sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo hình thành từ mong muốn liên kết trí thức người Việt trong và ngoài nước, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về trọng dụng và thu hút nhân tài, kể cả trong và ngoài nước, chủ trương về xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển, phục vụ cho cách mạng công nghiệp 4.0 mà chúng ta đang chuẩn bị.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, cần tối ưu hóa cơ hội kết nối này, chủ động trao đổi, chia sẻ và hợp tác với các bạn trẻ tài năng, trí tuệ tiêu biểu ngày hôm nay để hình thành những ý tưởng đổi mới sáng tạo, những chương trình, dự án, những kế hoạch hành động cụ thể, nhằm tạo ra những giá trị mới, phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đóng góp cho nền kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá rất cao việc trở về của các bạn trẻ tiêu biểu cho giới khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ và trở thành cơ hội lớn, ngàn năm có một đối với các nước đang phát triển như nước ta. “Sự nhiệt huyết và quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ đã truyền lửa và cảm hứng tới tất cả chúng ta đối với tiến trình đổi mới và phát triển đất nước. Các bộ, cơ quan của Chính phủ cam kết sẽ nỗ lực tối đa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bạn về môi trường sống và làm việc tại quê hương, để các bạn thỏa sức sáng tạo, thỏa sức cống hiến”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn thông qua Sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ kết nối nhiều hơn nữa những tài năng, trí tuệ Việt Nam trên toàn thế giới, kết hợp với các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tạo thành một sức mạnh mới, nguồn lực quan trọng, đưa đất nước ta không ngừng vươn lên, sánh vai cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Từ góc độ của lãnh đạo một tập đoàn lớn trong nước về công nghệ, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho rằng, các chuyên gia công nghệ làm việc ở nước ngoài cần có liên kết với Việt Nam, chia sẻ tri thức, hướng đi mới nhất, sống hết mình cho khát vọng phát triển đất nước. Ông Bình cho biết, Tập đoàn FPT rất trân trọng sự có mặt của 100 nhà khoa học, chuyên gia về nước trong Chương trình kết nối này.

Thông qua các hoạt động tại Chương trình kết nối, đoàn 100 chuyên gia, nhà khoa học từ nước ngoài có cơ hội gặp gỡ, làm việc trực tiếp với nhiều địa phương, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước. Trong ngày 20/8, tại cuộc làm việc với Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và các tập đoàn công nghệ lớn ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, lãnh đạo Thành phố và lãnh đạo FPT, Viettel đã chia sẻ những nhu cầu, cơ hội có thể triển khai hợp tác ngay trong nhiều lĩnh vực như AI, xây dựng nền tảng dùng chung để kết nối mạng lưới...

Chuyên đề