Khát vọng vươn mình

(BĐT) - Những ngày cuối cùng của năm 2018 khép lại với một hình ảnh thật đẹp: Những rừng cờ đỏ sao vàng cuộn chảy trên khắp các tỉnh, thành của dải đất hình chữ S, hoà chung nhịp đập của hàng triệu con tim người Việt mừng chức vô địch AFF Cup 2018 của đội tuyển bóng đá Việt Nam. 
Khát vọng vươn mình

Dường như vượt lên một sự kiện thể thao thông thường, một niềm cảm hứng mạnh mẽ lan tỏa từ những chàng trai trẻ với tài năng, sự sáng tạo và lòng quả cảm đã chứng minh cho cả khu vực và châu lục thấy khát vọng vươn mình, để làm nên những chiến công chói lọi từ Thường Châu tuyết trắng đến Mỹ Đình rực rỡ cờ hoa…

Sẽ là khiên cưỡng khi khẳng định sức bật và tầm vóc quốc gia qua những thành công của một môn thể thao, dù cho đó là môn thể thao vua - bóng đá. Nhưng từ một sự kiện bề nổi đó, cùng nhìn rộng ra tất cả các lĩnh vực của kinh tế - xã hội năm qua, đã thấy trào dâng một tinh thần mới, một sức bật mới trẻ trung, tươi tắn, nhưng không kém phần trí tuệ và bản lĩnh, đang góp phần làm nên một Việt Nam khởi sắc và vươn mình mạnh mẽ. Đó là hình ảnh những chiếc ô tô VinFast “made in Viet Nam” ngay lần đầu xuất hiện đã gây sửng sốt giới chuyên gia tại Triển lãm ô tô quốc tế Paris. Đó là sự lớn mạnh của nhiều doanh nghiệp tư nhân như T&T, Hoà Phát, BRG, Vietjet Air… cho thấy môi trường kinh doanh Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm cho các doanh nghiệp tầm cỡ, có khả năng cạnh tranh và là đối tác xứng tầm của các tập đoàn kinh tế quốc tế.

Như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Việt Nam giờ là công xưởng lớn của thế giới, là điểm tựa của nhiều tập đoàn lớn, tập đoàn xuyên quốc gia có chuỗi sản xuất trong khu vực và toàn cầu như Samsung, Toyota, Honda… và hàng nghìn doanh nghiệp FDI khác, là bảo chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và tăng trưởng…”.

Năm 2018 khép lại, có một con số làm nức lòng người dân Việt Nam khi xuất khẩu lập kỷ lục mới 240 tỷ USD, tăng 13% so với năm trước và gấp ba lần giá trị xuất khẩu của năm 2011. Hơn 20 mặt hàng đạt giá trị kim ngạch trên 1 tỷ USD. Đáng mừng hơn, những mặt hàng như tôm, lúa gạo, hồ tiêu, cá ba sa… tăng trưởng dựa nhiều vào giá trị chuỗi cung ứng cho thấy “chất” đã và đang thay đổi trong hàng hoá mang thương hiệu Việt. Nhiều sản phẩm nông nghiệp như xoài, chuối, chôm chôm, vải thiều… được sản xuất theo quy trình sạch đã vào được các thị trường nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia… Triển vọng tích cực từ các hiệp định thương mại thế hệ mới, tiêu biểu là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên chính thức, đã tạo thêm điểm tựa cho hàng hoá Việt Nam khẳng định vị thế mới trong sân chơi toàn cầu.

Cũng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế cách đây tròn một thập kỷ, lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế của đất nước trở lại với mức hơn 7%. Đặc biệt, mức tăng trưởng ấn tượng đó dựa trên một nền tảng vĩ mô ổn định. Công tác đảm bảo an sinh xã hội là điểm sáng lớn khi các chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ đối tượng chính sách và cứu trợ lũ lụt, thiên tai, xây dựng nông thôn mới đã và đang phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội.

Cùng với “bức tranh” nhiều mảng sáng đó, thành công nổi bật của công cuộc chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo đã thực sự lấy lại niềm tin vào kỷ cương của Đảng, vào công bằng, đạo lý, vào sức mạnh của luật pháp.

Bên cạnh sự quyết liệt đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử thời cách mạng công nghiệp 4.0, hàng trăm giấy phép con của các ngành, các cấp tiếp tục được gỡ bỏ; ứng dụng điện tử hoá từ lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp đến kê khai, nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội..., góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí của người dân, doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

***

Khép lại hành trình đáng nhớ của năm 2018, tự tin bước vào năm 2019 - năm cuối cùng thập kỷ thứ 2 của thiên niên kỷ hai ngàn, chúng ta vui mừng trước thế và lực mới của đất nước, dân tộc. Những thành công nổi bật trên các mặt trận: kinh tế, đối ngoại, an ninh, quốc phòng và phát triển văn hoá - xã hội cho phép chúng ta nhìn xa hơn, rộng hơn, hoạch định một hướng đi chiến lược cho giai đoạn phát triển đến năm 2030 - 2035.

Tuy nhiên, nhìn ngắn hạn ngay trong năm 2019, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với những khó khăn đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt tháo gỡ.

Trước hết, nói về bối cảnh quốc tế, đó là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiềm ẩn những rủi ro rất khó đoán định với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Thời cơ đón các dòng vốn FDI từ Trung Quốc chuyển dịch sang là hiện hữu, nhưng cùng với đó là nguy cơ về một cuộc đổ bộ của công nghệ lạc hậu và sản phẩm giá rẻ mà bài học của mía đường, xi măng lò đứng từ mấy thập kỷ trước vẫn còn nóng hổi. “Bóng ma” lảng vảng của một cuộc khủng hoảng tài chính mới từ hệ luỵ của chiến tranh thương mại đòi hỏi các nhà quản trị đất nước phải hoạch định được các “kịch bản” của kinh tế thế giới để Việt Nam không bất ngờ và bị động trong mọi tình huống.

Ở trong nước, động lực tăng trưởng của khu vực kinh tế nhà nước vẫn thấp, là thách thức với Chính phủ trong lộ trình sắp xếp, chuyển đổi, cổ phần hoá. Đó là sức ép phải không ngừng cải cách hành chính theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo với sự ra đời của Chính phủ điện tử, sự “hy sinh quyền lợi” của nhiều ngành, nhiều cấp trong loại bỏ giấy phép con nhằm không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đó là yếu tố tiên quyết ứng dụng công nghệ 4.0 vào tất cả các lĩnh vực quản lý đi kèm với tinh giản biên chế, sắp xếp thu gọn tổ chức bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động của khu vực tư cũng như khu vực công. Tiếp tục củng cố và ổn định các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản trước những thách thức mang tính toàn cầu nhưng cần phải được tính toán cẩn trọng, nhất là thị trường bất động sản.

Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm quý giá khi vượt qua những thời điểm gian nan nhất của giai đoạn 2008 - 2012. Bởi vậy, trong hành trình đổi mới và hội nhập, trước những khó khăn của năm 2019, Việt Nam hoàn toàn tự tin chắc chắn sẽ vượt qua. Vấn đề then chốt là các cơ quan điều hành chính sách cần nhanh chóng đưa đường lối, tinh thần các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống bằng những quyết sách mạnh mẽ và đúng đắn. Và với mỗi người dân, niềm tin sẽ là món quà xuân ý nghĩa để chúng ta đạt được những dự định đề ra, hoà niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi cá nhân vào thành công chung của đất nước, dân tộc.

***

Một năm cũ đã ở lại sau lưng. Những hình ảnh của một Việt Nam vươn mình mạnh mẽ chắc chắn sẽ ghi dấu ấn đậm nét trong lòng mỗi người dân Việt cũng như bè bạn năm châu. Và nếu như phải bình chọn một hình ảnh ấn tượng của năm 2018, xin được chọn cây cầu vượt biển Bạch Đằng, một trong ba cây cầu dây văng lớn và nhiều nhịp nhất thế giới. Cây cầu như một công trình nghệ thuật kỳ vĩ, một con rồng biển khổng lồ vươn mình chinh phục đại dương, nối liền hai cạnh của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh bằng tuyến đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, rút ngắn hành trình Hà Nội - Quảng Ninh từ 3 giờ trước đây xuống 90 phút. Rồi đây, Khu công nghiệp Đình Vũ, tổ hợp công nghệ - thương mại - dịch vụ Vân Đồn và thành phố công nghiệp - du lịch Hạ Long cũng như một dải ven biển vùng Đông Bắc sẽ là “địa chỉ đỏ” thu hút đầu tư nước ngoài.

Chuyên đề