Khẳng định độ tin cậy của số liệu tăng trưởng

(BĐT) - Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 về mặt số liệu là đáng tin cậy, phương pháp thống kê có cơ sở khoa học, khách quan, được thực hiện đúng quy định của pháp luật về thống kê, được các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế công nhận. 
Động lực tăng trưởng kinh tế hiện nay đã chuyển sang những lĩnh vực bền vững hơn như công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ… Ảnh: Lê Tiên
Động lực tăng trưởng kinh tế hiện nay đã chuyển sang những lĩnh vực bền vững hơn như công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ… Ảnh: Lê Tiên

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng làm rõ trong ngày thảo luận đầu tiên của Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), ngân sách nhà nước năm 2017 và kế hoạch năm 2018.

Nhiều điểm sáng

Trên thực tế, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận cũng thể hiện sự tin tưởng vào kết quả phát triển KTXH năm 2017 như báo cáo của Chính phủ và coi đây là một kết quả rất đáng trân trọng, có cơ sở để kỳ vọng và tin tưởng sẽ đạt và vượt mức cả 13 chỉ tiêu của năm 2017.

Theo đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận), năm nay có nhiều điểm sáng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Sáng ở tốc độ tăng trưởng, sáng trong thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu, sáng trong chống tham nhũng, tiêu cực và sáng trong giữ môi trường ổn định cho phát triển của đất nước. Có được những điểm sáng này là nhờ sự quyết tâm trong lãnh đạo, trong điều hành của Quốc hội, của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị, của nhân dân cả nước quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.

Lý giải cho kết quả tăng trưởng ấn tượng, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng có nguyên nhân quan trọng ở điều hành của Chính phủ. “Một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân như lời tuyên thệ khi nhậm chức của Thủ tướng đang hiện hữu trong đời sống dù rằng còn rất nhiều việc chúng ta phải làm”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhận định. Theo ông Hiểu, nhìn vào kết quả đã đạt được trong bối cảnh khó khăn chồng chất, chúng ta thấy con đường và cách đi là hết sức đúng đắn, mạnh mẽ, chắc chắn, cách mạng và thận trọng.

Đặc biệt, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, Chính phủ không bỏ quên vấn đề chất lượng tăng trưởng, đã và đang quyết tâm cao, mạnh mẽ, quyết liệt trong nhận diện và khắc phục những hạn chế, yếu kém mang tính trầm kha của nền kinh tế. Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), chất lượng tăng trưởng đã được Chính phủ lựa chọn và điều hành chủ động, kiên định trong lúc phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh của lĩnh vực trụ cột là khai khoáng, đặc biệt là dầu thô. Khai thác dầu thô dự kiến  sụt giảm 2 triệu tấn so với năm 2016, nhưng tăng trưởng vẫn đạt cao do những động lực hiện nay đã chuyển sang những nền tảng bền vững hơn như công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất điện tử, linh kiện, xây dựng, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, FDI… 

Nỗi lo nợ công, thu ngân sách

Ông Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT:

Chất lượng tăng trưởng ngày càng cao và được cải thiện đúng hướng, thể hiện rõ ở 4 nhóm chính: Thứ nhất, tăng trưởng GDP duy trì ở tốc độ trung bình cao, tương đối ổn định trong cả giai đoạn 2011 - 2017. Thứ hai, tăng trưởng kinh tế đã gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào, mô hình tăng trưởng có sự chuyển dịch tích cực, giảm dần sự phục thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, chuyển dần sang khu vực sản xuất chế biến, chế tạo và dịch vụ… Thứ ba, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh cải thiện, được quốc tế đánh giá cao, nâng bậc ở rất nhiều chỉ số. Thứ tư là tăng trưởng đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, an sinh xã hội.

Bên cạnh những kết quả tích cực, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra nhiều điểm hạn chế của nền kinh tế, nổi lên là nỗi lo về nợ công, về thu ngân sách, về hiệu quả đầu tư, cải cách thủ tục hành chính…

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chỉ ra tình trạng bội chi cao, nợ công sát trần, thu ngân sách dự báo không đạt kế hoạch trung hạn, nhưng kỷ luật tài khóa chưa nghiêm. “Nợ công dự báo đến năm 2020 khoảng 4,2 triệu tỷ đồng, trả lãi vay hàng năm chiếm khoảng 7 - 8% tổng chi ngân sách nhà nước. Bình quân một năm trả lãi hơn 100.000 tỷ đồng, xấp xỉ 1/2 số tiền bán vốn nhà nước trong 5 năm”, đại biểu Hàm nêu ra thực trạng đáng quan ngại. Ông Hoàng Quang Hàm cho rằng, khả năng trả nợ rất khó khăn, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư để trả nợ, phải vay đảo nợ làm quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng lên nợ. Dự báo đến năm 2020 vẫn không khắc phục được, nguồn trả nợ vẫn từ nguồn vay mới và lên tới 252.000 tỷ đồng.

Một điểm đáng lo ngại nữa, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, là trong khi nợ công như vậy nhưng nhiều năm nay chưa tiết kiệm chi. Chính sách thu cũng chậm thay đổi để bảo đảm nguồn chi và cân đối ngân sách. Nhiều nội dung ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỉ tiêu an toàn nợ công và kế hoạch trung hạn nhưng chưa minh bạch và chưa báo cáo rõ số liệu với Quốc hội như số tiền quỹ tích lũy đáp ứng trả nợ thay các dự án cho vay lại, dự án Chính phủ bảo lãnh chậm trả hoặc không trả được nợ.

Một góc độ khác, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) gửi đến Chính phủ 3 vấn đề cần làm rõ. Đó là nguyên nhân việc thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Nguyên nhân và cách xử lý các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, ngoài 12 dự án mà Chính phủ đã và đang chỉ đạo xử lý. Và nguyên nhân vì sao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa qua chỉ đạo rất quyết liệt cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn còn tình trạng một số lĩnh vực điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, làm ảnh hưởng đến môi trưởng đầu tư sản xuất kinh doanh.

Các đại biểu Quốc hội khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, giải quyết triệt để những yếu kém nội tại của nền kinh tế, tiếp tục nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, của các bộ, ngành, địa phương có liên quan trước những yếu kém, những vấn đề nhức nhối kéo dài.

Chuyên đề