Khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV

(BĐT) - Sáng 22/10, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã chính thức khai mạc. Đây là kỳ họp cuối năm 2018, cũng là giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung, vấn đề quan trọng.
Ảnh: Lê Tiên
Ảnh: Lê Tiên

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, đến thời điểm này, đất nước ta đã đi qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2016-2020, nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực, GDP tăng từng năm, an sinh xã hội, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, vị thế của đất nước không ngừng được nâng cao. Tái cơ cấu nền kinh tế cũng đạt kết quả khả quan.

Riêng 9 tháng năm 2018, theo Chủ tịch Quốc hội, nền kinh tế tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng GDP đạt 6,98% cao nhất từ năm 2011 trở về đây, các lĩnh vực công nghiệp nông nghiệp dịch vụ tăng khá cao, đời sống nhân dân cải thiện…

“Những kết quả này đã tạo đà tăng trưởng, củng cố niềm tin của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Ngay sau phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, kế hoạch năm 2019; báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020.

Cũng trong ngày khai mạc, Quốc hội sẽ khởi động quy trình bầu Chủ tịch nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội nhân sự để bầu Chủ tịch nước. Việc bầu và công bố kết quả kiểm phiếu diễn ra trong ngày 23/10. Tân Chủ tịch nước dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào chiều 23/10. Việc bầu Chủ tịch nước ngay đầu Kỳ họp sẽ giúp thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền.

Dự kiến, từ chiều 24/10, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra 24 ngày. Quốc hội dự kiến dành 9,5 ngày xây dựng pháp luật. Thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 3 ngày; xem xét quyết định nhân sự là 1,5 ngày. Thời gian dành cho giám sát chuyên đề và các vấn đề khác là 10 ngày.

Quốc hội xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Trong đó, sẽ xem xét thông qua dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch…

Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Chính phủ và thảo luận về kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019. Xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020;…

Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Chuyên đề