Kết nối với các quỹ đầu tư quốc tế: Khơi thông nguồn lực cho đổi mới sáng tạo

(BĐT) - Trong 3 năm qua, vốn đầu tư cho startup tăng mạnh với hàng trăm thương vụ có giá trị lớn từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. 
Năm 2018, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được 889 triệu USD từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: Tường Lâm
Năm 2018, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được 889 triệu USD từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: Tường Lâm

Sự kiện Hội nghị Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức ngày 10/6, tại Hà Nội dự kiến sẽ thu hút hơn 100 quỹ đầu tư của khu vực và thế giới nhằm kết nối nguồn lực đầu tư vào thị trường đầy tiềm năng mang tên Việt Nam. 

Thị trường đầu tư hấp dẫn

Việt Nam có quy mô thị trường lớn với gần 100 triệu dân, đang phát triển nhanh đối với các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số. Quan trọng hơn, Việt Nam có dân số trẻ, 67% dân số sử dụng Internet, 57% dân số tích cực sử dụng mạng xã hội và 73% dân số có điện thoại di động cá nhân. Cộng đồng doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Năm 2018, ước tính Việt Nam có hơn 3.000 startup, được cho là lớn thứ ba ở châu Á. Lượng vốn đầu tư vào các startup cũng tăng cao trong các năm gần đây. “Có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đổi mới sáng tạo của Việt Nam sẽ bùng nổ trong thời gian tới, hứa hẹn là một thị trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư mạo hiểm”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Dẫn kết quả từ Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư khởi nghiệp năm 2018 của Topica Founder Institute (TFI), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, trong năm 2018, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được 889 triệu USD đầu tư trong 92 thương vụ với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, 10 giao dịch hàng đầu đã mang về 734 triệu USD, bao gồm 100 triệu USD đầu tư vào Yeah1; 50 triệu USD vào Topica; 51 triệu USD vào Sendo. Đây là con số lớn gấp 3 lần năm 2017 (cùng số thương vụ đầu tư) và đã đưa một số doanh nghiệp trở thành công ty “kỳ lân” (đạt giá trị thị trường trên 1 tỷ USD) như Công ty CP VNG, cũng như tạo ra nguồn lực mạnh để các DN Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với các DN quốc tế trên thị trường.

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các chính sách khuyến khích kinh tế đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi tối đa cho các startup phát triển, đồng thời cải cách thể chế về đầu tư mạo hiểm để các dòng vốn đầu tư mạo hiểm có thể tìm đến các startup một cách thuận lợi nhất. Thu hút đầu tư mạo hiểm sẽ trở thành một trọng tâm thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới.

Trao đổi với báo giới trước thềm Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, muốn tạo điều kiện, hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp sáng tạo, trước hết cần 4 yếu tố. Đó là thể chế tốt; nguồn vốn dồi dào; nguồn nhân lực tốt; hạ tầng công nghệ thông tin và hệ sinh thái tổ chức trung gian kết nối startup với nhau để thu hút đầu tư.

“Hiện nay, Bộ KH&ĐT đang được giao thực hiện 3 nhiệm vụ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nắm bắt cơ hội từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Đó là xây dựng Chiến lược quốc gia về 4.0; xây dựng hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo với đề xuất thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chia sẻ. 

Hơn 100 quỹ đầu tư đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội

Hội nghị Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam 2019 “là một trong những giải pháp để cụ thể hóa mục tiêu, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng”, người đứng đầu ngành KH&ĐT cho biết. 

 Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để hỗ trợ các DN sớm hưởng lợi từ CMCN 4.0, Bộ KH&ĐT đang xây dựng một loạt giải pháp thiết thực, bao gồm hỗ trợ tiếp cận vốn, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực… Hội nghị Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam là một trong các hoạt động hỗ trợ đó. “Đây là một sự kiện thiết thực cho các quỹ, DN và Chính phủ nhằm tạo kênh đối thoại, kết nối nguồn lực chặt chẽ hơn cho đầu tư khởi nghiệp sáng tạo”, Bộ trưởng khẳng định.

Đặc biệt, thông qua Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia mà Bộ KH&ĐT đang xây dựng, Bộ sẽ hỗ trợ các DN nói chung và DN khởi nghiệp công nghệ nói riêng một cách toàn diện, cung cấp cho họ các dịch vụ chất lượng quốc tế. Cùng với các đối tác của mình, NIC sẽ là một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh, trong đó các DN có điều kiện tốt nhất để nghiên cứu phát triển, ứng dụng các công nghệ mới nhất của CMCN 4.0, từ đó thu được lợi ích kinh tế nhanh nhất từ CMCN 4.0.

Nhận thấy Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư vào đổi mới sáng tạo, ông Vinnie Lauria, đại diện Quỹ Đầu tư Golden Gate Ventures  - đơn vị phối hợp tổ chức Vietnam Venture Summit 2019 cho biết, sẽ có trên 100 quỹ đầu tư mạo hiểm tề tựu về đây tìm kiếm cơ hội đầu tư. “Đặc biệt, tại sự kiện này, sẽ có những thương vụ đầu tư lớn vào các dự án khởi nghiệp của Việt Nam với tổng số vốn đầu tư rất lớn được công bố”, ông Vinnie Lauria tiết lộ.

Chuyên đề