Ít nhất 1 tỷ USD đối phó biến đổi khí hậu

(BĐT) - Tại Phiên họp toàn thể Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)...
Sự quan tâm đến các dự án liên quan đến BĐKH của các địa phương chưa thực sự được chú trọng. Ảnh: Thùy Anh
Sự quan tâm đến các dự án liên quan đến BĐKH của các địa phương chưa thực sự được chú trọng. Ảnh: Thùy Anh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cam kết với quyết tâm chính trị cao sẽ tạo cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia của mọi người dân, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế, huy động nguồn lực cần thiết được cụ thể hóa bằng các hành động, sáng kiến, nhiệm vụ, giải pháp cho quá trình phát triển bền vững cho ĐBSCL. 

Bất cập trong phân bổ vốn

Trước toàn thể Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo kết quả của phiên thảo luận chuyên đề về huy động, điều phối nguồn nhân lực cho phát triển ĐBSCL diễn ra vào chiều ngày 26/9.

Trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách nhà nước đã dự kiến phân bổ cho các dự án đầu tư phục vụ cho mục tiêu ứng phó với BĐKH của Vùng ĐBSCL là khoảng 90,8 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu tối thiểu của Vùng để khắc phục những thiệt hại gây ra bởi BĐKH và nâng cao khả năng chống chịu đối với tác động cực đoan của khí hậu trong giai đoạn này là 105 nghìn tỷ đồng và chưa tính đến nhu cầu đầu tư khoảng 43 nghìn tỷ đồng cho các dự án thủy lợi, cấp nước, xử lý nước thải…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực cho ứng phó với BĐKH hiện còn nhiều bất cập. Cụ thể, chưa phân bổ thỏa đáng cho các dự án cần ưu tiên làm trước có tác động lan tỏa đến phát triển bền vững của Vùng; chưa tôn trọng nguyên tắc “không hối tiếc” và ưu tiên hành động trước những nhiệm vụ ít rủi ro, sai lầm mà khó có điều kiện sửa chữa.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của BĐKH với tương lai của Vùng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng về đề xuất sử dụng vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) giai đoạn 2017 - 2020 vừa qua, trong 13 tỉnh của Vùng thì có 12 tỉnh được hỗ trợ từ nguồn TPCP, nhưng có 11 tỉnh chọn làm đường, duy nhất có 1 tỉnh chọn làm thủy lợi. Điều này cho thấy sự quan tâm đến các dự án liên quan đến BĐKH của các địa phương chưa thực sự được chú trọng. 

Giải ngân hiệu quả 1 tỷ USD

Thông tin trước toàn thể Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ giờ tới năm 2020, ngân sách trung ương đã dự kiến hỗ trợ cho ĐBSCL là khoảng 20%. Đến nay, Chính phủ vẫn đang cố gắng tìm các nguồn đầu tư khác, trong đó có cả ODA (WB đã có cam kết hỗ trợ, cho vay ít nhất 320 triệu USD cho chống BĐKH). Cùng với nguồn huy động từ các tổ chức quốc tế cũng như đầu tư trung hạn, ngân sách dành cho ĐBSCL ít nhất sẽ có 1 tỷ USD để chủ yếu làm một số công trình điều tiết nước ngọt, điều tiết lũ và nhiễm mặn. “Điều quan trọng là chúng ta giải ngân một cách hiệu quả 1 tỷ USD sẽ mang lại ý nghĩa hết sức quan trọng cho thích ứng với BĐKH của ĐBSCL” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Đề xuất giải pháp cho huy động nguồn lực, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam có thể xây dựng Quỹ Phát triển ĐBSCL với cơ chế về quản lý, quản trị rõ ràng giúp tạo nguồn tài chính đầy đủ cho thích ứng với BĐKH của ĐBSCL.

Một số chuyên gia cho rằng, cần rà soát lại các nguồn vốn trung hạn, chưa đủ điều kiện phân bổ hoặc không có khả năng giải ngân để ưu tiên đầu tư trước cho một số dự án quan trọng, cấp bách. Các bộ, ngành cần chủ động rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn, ưu tiên đầu tư cho các dự án BĐKH, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư tư nhân nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Chuyên đề