Huy động được hơn 844 triệu tỷ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia

(BĐT) - Theo Báo cáo mới nhất của Chính phủ đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13, Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2018 đã huy động được tổng kinh phí 844.308,334 nghìn tỷ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Nợ đọng xây dựng cơ bản giảm

Theo báo cáo, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới khoảng 820.964,1 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là hơn 24.167 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 91.975 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là 96.093 tỷ đồng; vốn tín dụng là 512.450 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp là 39.480 tỷ đồng; cộng đồng và dân cư đóng góp là 56.799 tỷ đồng.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình khoảng 23.344,234 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương là 21.597,557 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 1.271,522 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác là 475,155 tỷ đồng.

Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước cân đối và nguồn vốn huy động khác để trực tiếp thực hiện chương trình, trong 2 năm 2016-2017, ngân sách nhà nước đã bố trí 44.214 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đến ngày 30/6/2018 đạt 189.105 tỷ đồng, tăng 30.239 tỷ đồng (19%) so với năm 2016.

Báo cáo kết quả phân bổ, sử dụng nguồn lực, Chính phủ cho biết, cơ chế quản lý đầu tư xây dựng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã được rút gọn, đơn giản hoá. Thông qua cơ chế đầu tư đặc thù đối với các công trình, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia  đã khuyến khích, vận động được người dân tham gia tích cực hơn vào việc triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn.

Về tình hình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản của chương trình, xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm trước năm 2019, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới.

Tính đến 30/9/2018, tổng số nợ đọng XDCB của các địa phương là 1.219,2 tỷ đồng (giảm 3.738,6 tỷ đồng so với tháng 1/2018 và giảm khoảng 92% so với tổng số nợ 15.218 tỷ đồng vào thời điểm tháng 1/2016).

Đề xuất tái đầu tư 3.600 tỷ đồng

Thẩm tra đánh giá giữa kỳ việc thực hiện chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, Ủy ban Tài chính – Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội đánh giá, việc triển khai thực hiện CTMTQG trong thời gian qua đã đạt một số kết quả tích cực, một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã cơ bản hoàn thành, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thông qua CTMTQG, nguồn lực xã hội từ các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư đã được huy động vào việc thực hiện các mục tiêu của chương trình, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của đời sống xã hội; làm thay đổi nhận thức và nâng cao trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng và xã hội.

Tuy nhiên UBTCNS nhấn mạnh về hạn chế của chương trình xây dựng nông thôn mới, các quy định về quy tắc, tiêu chí, định mức và đối tượng phân bổ của chương trình chậm được ban hành dẫn tới sự lúng túng, chậm trễ trong phân bổ, giao kế hoạch vốn tại thời điểm đầu giai đoạn. Một số địa phương còn tình trạng hết nhiệm vụ chi nhưng chưa hoàn trả NSTW. Nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng thủ tục rườm rà khi thực hiện các công trình có quy mô nhỏ, bố trí vốn chưa tập trung, vẫn còn tình trạng dàn trải, nợ đọng.

Trong giai đoạn 2016 – 2018, NSTW mới bố trí được 38,12%; NSĐP bố trí được 71% nhưng chủ yếu là ở các tỉnh nhận trợ cấp cân đối từ NSTW. Chính phủ chưa báo cáo về tiến độ giải ngân và nhu cầu thực tế để thực hiện các danh mục của chương trình và khả năng huy động nguồn lực để thực hiện cho các năm tiếp theo.

Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, việc giao vốn, nguồn vốn từ NSTW để thực hiện một số chương trình bố trí vốn được UBTC-NS đánh giá chưa đúng kế hoạch, thời gian thẩm định vốn kéo dài, thường dồn vào thời điểm cuối năm nên ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng nhiều công trình, dự án.

Một số chương trình, chính sách có nhu cầu thực tế lớn hơn dự kiến ban đầu nên khó cân đối vốn; một số địa phương không đủ khả năng cân đối vốn đối ứng để thực hiện các CTMTQG hoặc các chính sách giảm nghèo.

UBTCNS kiến nghị Chính phủ tính toán khả năng nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để ưu tiên nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình này trong 2 năm cuối.

Ngoài ra, thực hiện đúng nguyên tắc không ban hành văn bản chính sách khi không có nguồn lực bảo đảm; tăng cường khả năng tiếp cận chính sách của nông nghiệp, nông thôn, nông dân và các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Tập trung rà soát 21 chương trình mục tiêu, loại bỏ các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình mục tiêu trùng lặp với mục tiêu, nhiệm vụ của CTMTQG xây dựng nông thôn mới, CTMTQG giảm nghèo bền vững.

UBTCNS lưu ý Chính phủ, nghiên cứu sử dụng nguồn 3.600 tỷ đồng trích khấu hao của Điện lực Việt Nam để đầu tư trở lại cho đồng bào các tỉnh bị ảnh hưởng bởi các công trình thủy điện lớn, chú trọng đầu tư cho hạ tầng giao thông tới thôn, bản.

Chuyên đề