Hội nhập bằng cả trái tim và lý trí

(BĐT) - Hơn 30 năm hội nhập cũng là chặng đường chúng ta vừa thực hành vừa học hỏi và đúc rút kinh nghiệm. Đến nay, Việt Nam đã ngày càng chủ động hơn xét về cả khía cạnh thực thi và chung tay xây dựng luật chơi. Trong một thế giới nhiều biến chuyển, lựa chọn hướng đi phù hợp cho chặng đường phía trước cần không chỉ xúc cảm từ trái tim mà cả lý trí.
Với sức mạnh kinh tế và vị thế dần được nâng cao, Việt Nam ngày càng vững vàng trên con đường hội nhập
Với sức mạnh kinh tế và vị thế dần được nâng cao, Việt Nam ngày càng vững vàng trên con đường hội nhập

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) có cuộc trao đổi với Báo Đấu thầu về con đường ra thế giới của Việt Nam.

Trở thành một bộ phận hữu cơ

Quá trình hội nhập của Việt Nam bắt đầu từ năm 1986, cùng với thời điểm mở cửa nền kinh tế đất nước. Đây là một bước đi có tính căn cơ và chiến lược của Việt Nam.

Những năm cuối của thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, chúng ta đã dần dần thiết lập và phát triển quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á, các tổ chức quốc tế và các nước phương Tây. Sau đó, năm 1993, nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) chính thức quay trở lại Việt Nam. Năm 1994, Mỹ chính thức bỏ cấm vận với Việt Nam. Năm 1995, Việt Nam gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Như vậy, từ đòi hỏi bức thiết phải tiến bước ra thế giới, hội nhập đã trở thành một bộ phận hữu cơ của Việt Nam. Từ đó, con đường phát triển của Việt Nam dựa vào 2 trụ cột quan trọng là cải cách bên trong và hội nhập bên ngoài, 2 trụ cột này thúc đẩy lẫn nhau.

Hội nhập bằng cả trái tim và lý trí ảnh 1
TS. Võ Trí Thành
Đó là quá trình vừa thực thi vừa học hỏi và hoàn thiện với đầy gian khó và nhiều thử thách. Không thể phủ nhận là vẫn có những đoạn đường gập ghềnh, trắc trở do vẫn còn rơi rớt tư duy kiểu cũ, những băn khoăn về lợi ích của hội nhập giữa tự do hóa thương mại - đầu tư với bảo hộ trong nước.

Năm 2000, Việt Nam ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) với Hoa Kỳ, đánh dấu một cột mốc có ý nghĩa lớn trong quá trình hội nhập của chúng ta, là bước ngoặt đưa Việt Nam bước đến và đạt được những ngưỡng hội nhập cao hơn và sâu hơn. Kể từ đó, chúng ta hội nhập với vai trò chủ động và tự tin hơn.

Nỗ lực này đã mang lại kết quả ấn tượng về nhiều mặt. Ít ai ngờ rằng, giai đoạn 2000 - 2010, Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu liên tục ở mức trên 2 con số (trừ năm 2009 do khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu). Thu hút đầu tư vào khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ. Hệ thống pháp lý ngày càng hoàn thiện và tiệm cận với hệ thống pháp lý của các nước phát triển.

Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, một loạt quy định pháp lý được cải thiện để tương thích với nền kinh tế thị trường và yêu cầu của WTO. Những năm sau đó, Việt Nam không chỉ hội nhập về kinh tế mà còn hội nhập về mọi mặt.

Việc tham gia WTO và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) đòi hỏi chúng ta phải đáp ứng và thực thi các luật chơi kiểu mới, hướng tới hợp tác và phát triển, rạch ròi hơn các mối quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện.

Thay vì tham gia cuộc chơi có phần bị động, chờ người khác xây dựng luật chơi để đàm phán theo kiểu “vừa học vừa làm”, Việt Nam bắt đầu tham gia xây dựng luật chơi. Điều này đã và đang thể hiện rõ trong quá trình đàm phán một số FTA thế hệ mới.

Đáng chú ý, hình ảnh con người Việt Nam đã hiện rõ hơn trong các quan hệ song phương, đa phương và trên nhiều lĩnh vực. Chúng ta đã tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, ứng cử và trúng cử ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng ta cũng chú trọng đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. 

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Nhìn lại chặng đường đã qua có thể thấy Việt Nam đã ngày càng vững vàng trong việc thích ứng và chủ động hội nhập. Trong một thế giới biến động không ngừng, các mối liên kết và tương tác đan xen, sản phẩm hàng hóa dịch vụ là kết quả của các chuỗi giá trị toàn cầu, bùng nổ thời đại thông tin và kinh tế số, Việt Nam đang đối diện với một số thách thức không nhỏ trong chặng đường tiếp theo trên sân chơi ngày càng rộng mở này.

Ở đó, chủ quyền đất nước không chỉ là đường biên trên đất liền, mặt nước mà còn là những hạn định về dịch chuyển thông tin, không gian, vũ trụ.

Mặt khác, chúng ta phải đối diện với những thách thức trong việc ra quyết định và thực thi chính sách, hay nói cách khác, vừa bảo đảm dung hòa mối quan hệ trong hội nhập lại vừa phải có tiếng nói và có quyền tham gia xây dựng chính sách, định hình luật chơi để đất nước vừa có sức mạnh kinh tế vừa khẳng định vị thế quốc gia trong thời kỳ mới.

Hơn nữa, trong các mối quan hệ đối tác và liên minh - liên kết, Việt Nam nêu rõ chủ trương sẵn sàng làm bạn vì hòa bình và phát triển. Trong quá trình đó, chúng ta phân định rõ các tầng nấc quan hệ đối tác.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nền kinh tế đang phát triển với quy mô nhỏ và sức mạnh kinh tế khiêm tốn, nên cần hết sức cân nhắc khi đưa ra các nguyên tắc tham gia cuộc chơi để vừa tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho đất nước, đồng thời ngày càng nâng vị thế theo nghĩa tổng thể nhất. Điều này là không đơn giản, bởi lẽ, thế giới đã và đang thay đổi, chủ nghĩa bảo hộ dần trở lại, căng thẳng thương mại và địa chính trị giữa các đối tác của Việt Nam đang biến động khó lường, do đó, những nguyên tắc cũng phải có sự linh hoạt nhất định và phù hợp với vị trí của mình.

Như vậy, phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa. Trong bối cảnh đó, các quyết định, chủ trương cần được xây dựng với trái tim dành cho dân tộc và lý trí dựa trên những nguyên tắc ứng xử phù hợp, để từ đó, chúng ta có bước đi trên chặng đường hội nhập mới một cách khôn khéo nhất.

Tôi tin là chúng ta sẽ đạt được điều này với vai trò của giới lãnh đạo có tầm nhìn, sẵn sàng giải trình và quyết liệt trong hành động.

Chuyên đề