Hạn chế vi phạm hành chính trong quản lý tài sản công

(BĐT) - Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước. 
Bộ Tài chính đề xuất nâng mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản công. Ảnh: Đình Nguyễn
Bộ Tài chính đề xuất nâng mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản công. Ảnh: Đình Nguyễn

Bộ Tài chính đề xuất, để có sức răn đe và phòng ngừa vi phạm, cần phải nâng mức xử phạt cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với quy định hiện hành.

Khắc phục hạn chế trong Nghị định 192

Để khắc phục “lỗ hổng” trong Nghị định số 192/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước, Bộ Tài chính tập trung đề xuất nâng mức phạt, quy định rõ mức phạt và hành vi sai phạm cụ thể để xử phạt vi phạm hành chính.   

Trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có kiến nghị cần quy định cụ thể về cơ quan giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 6 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, nên quy định cụ thể hành vi vi phạm của cá nhân, hành vi vi phạm của tổ chức để làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc xử phạt.

Trong lĩnh vực dự trữ quốc gia, có ý kiến phản ánh, tại Khoản 3 Điều 34 Nghị định số 192/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thuê cá nhân không đủ điều kiện để bảo quản hàng dự trữ quốc gia là không khả thi vì Điều 53 Luật Dự trữ quốc gia quy định một trong các điều kiện của người được thuê bảo quản là phải có tư cách pháp nhân.

Trong lĩnh vực kho bạc nhà nước, có kiến nghị bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm soát chi qua kho bạc nhà nước; quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan có thẩm quyền khi thẩm định, quyết định không đúng quy định của Nhà nước. 

Quy định mức phạt cụ thể

Bộ Tài chính trình Chính phủ giữ mức xử phạt trong lĩnh vực quản lý tài sản công tối đa là 50.000.000 đồng với cá nhân; 100.000.000 đồng đối với tổ chức như quy định tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể tương ứng với từng hành vi vi phạm.

Dự thảo Nghị định đề xuất: Nâng mức phạt tiền lên đến 50 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền. Phạt tiền từ 5 - 20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi thực hiện thuê tài sản khi chưa có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; thuê tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức; lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ cho thuê tài sản không đúng hình thức, trình tự theo quy định của pháp luật; hành vi vi phạm quy định về giao, sử dụng tài sản công; hành vi mượn tài sản công; hành vi trao đổi, tặng cho tài sản công không đúng quy định; hành vi lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; hành vi chiếm đoạt tài sản công; hành vi vi phạm quy định về sử dụng tài sản công vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết; hành vi không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo quy định của pháp luật; hành vi vi phạm quy định về xử lý tài sản công…

Đối với hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản của các dự án có sử dụng vốn nhà nước; hành vi vi phạm quy định về xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, bảo quản, chuyển giao tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; hành vi vi phạm trong quản lý sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng; hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, tiền, tài sản công; hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc của tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản công tại công ty TNHH MTV vốn nhà nước cũng được quy định cụ thể mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả một cách chi tiết và đảm bảo yếu tố răn đe.

Dự thảo Nghị định cũng quy định, trường hợp các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công thuộc trường hợp phải thu hồi tài sản công, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này, sau khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm thông báo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để ra quyết định thu hồi đối với tài sản theo quy định. Việc xử lý tài sản sau khi thu hồi được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Chuyên đề