Hai phương án khoán kinh phí sử dụng xe ô tô

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, trong đó đề xuất về khoán kinh phí sử dụng xe ô tô.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dự thảo nêu rõ nguyên tắc khoán kinh phí sử dụng xe: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định phương án khoán (đối tượng và công đoạn áp dụng khoán) và mức khoán kinh phí cụ thể phù hợp với thực trạng quản lý, sử dụng xe, điều kiện thực tế tại các Bộ, cơ quan trung ương, Tập đoàn kinh tế và địa phương.

Tổng chi phí cho sử dụng xe (kinh phí khoán và kinh phí duy trì hoạt động của số xe đã được trang bị) không cao hơn chi phí sử dụng xe của năm trước liền kề (khi chưa áp dụng khoán);

Việc khoán kinh phí sử dụng xe phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả hơn việc trang bị xe ô tô theo tiêu chuẩn, định mức quy định.

Về mức khoán kinh phí sử dụng xe, dự thảo nêu rõ, căn cứ tình hình thực tế, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác của các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe theo một trong 2 phương án sau:

Phương án 1 (khoán gọn): Căn cứ khoảng cách đưa, đón đối với chức danh quy định; tần suất, khoảng cách đi công tác của chức danh đủ điều kiện sử dụng xe ô tô và đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện tương đương trên thị trường tại địa phương để xác định mức khoán cụ thể cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe. Bộ, cơ quan trung ương, Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mức khoán gọn.

Phương án 2 (thanh toán theo thực tế): Thanh toán theo km thực tế và đơn giá dịch vụ của phương tiện vận tải tương đương trên thị trường. Việc xác định đơn giá dịch vụ của phương tiện vận tải tương đương trên thị trường để thanh toán cho đối tượng khoán do Bộ, cơ quan trung ương, Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp quyết định hình thức, mức khoán cố định theo tháng hoặc thanh toán trên cơ sở khoảng cách thực tế để áp dụng cho các chức danh thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả trong phạm vi dự toán ngân sách hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn quyết định hình thức, mức khoán cố định theo tháng hoặc thanh toán trên cơ sở khoảng cách thực tế để áp dụng cho các chức danh thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Chuyên đề