Hài hòa nhiều yếu tố trong phát triển kinh tế - xã hội

(BĐT) - Việt Nam đã đặt ra nhiều mục tiêu rất rõ ràng trong chặng đường phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 10 năm tới và xác định rằng trên chặng đường ấy, có những mâu thuẫn, thách thức. Tổ biên tập Tiểu ban KTXH Đại hội XIII của Đảng vừa có buổi tham vấn ý kiến của các đối tác phát triển để có góc nhìn khách quan nhằm tìm kiếm những giải pháp hài hòa các yếu tố giúp Việt Nam đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
Một số đối tác phát triển khuyến nghị, Việt Nam phải có nhiều chính sách tập trung cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ. Ảnh: Trương Gia
Một số đối tác phát triển khuyến nghị, Việt Nam phải có nhiều chính sách tập trung cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ. Ảnh: Trương Gia

Phải giải quyết mâu thuẫn của sự phát triển

Tại buổi tham vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn tới là trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển nhanh và bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, nâng cao thu nhập đầu người để hướng tới việc thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác…

Trong quá trình xây dựng chiến lược cho mục tiêu này, Việt Nam nhận được một số khuyến nghị của các đối tác phát triển. Mặc dù các định hướng này đều là đúng đắn, nhưng có mâu thuẫn, thách thức mà Việt Nam mong muốn nhận được sự tham vấn nhiều hơn để hài hòa các yếu tố nhằm đạt được mục tiêu phát triển KTXH.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng, một số đối tác phát triển khuyến nghị Việt Nam cần đảo ngược xu hướng di dân liên tục từ nông thôn ra thành thị, hạn chế chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp và đô thị. Nhưng nếu không chuyển đổi một phần đất từ nông nghiệp sang công nghiệp, không phát triển đô thị, thành thị thì làm sao đạt được mục tiêu công nghiệp hóa?

Tương tự, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là xu thế tất yếu nếu muốn phát triển bền vững. Trong khi đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng trưởng nhanh (đạt 7 - 8%) trong giai đoạn tới… Vậy, Việt Nam sẽ phải làm gì để hài hòa giữa phát triển công nghiệp và nông nghiệp, phát triển nhanh và bền vững? - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt vấn đề. 

Tiên lượng tốt để kịp thời thích nghi

Theo ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Việt Nam cần phải đặt trọng tâm là cải cách thể chế và quản trị nhà nước. Ông Kamal Malhotra cho rằng, cấu trúc thể chế và quản trị hiện tại đang có những khiếm khuyết có thể cản trở sự phát triển trong tương lai của Việt Nam như: mô hình quản lý trung ương có những hạn chế trong việc huy động sự sáng tạo; đóng góp nhiệt huyết của nguồn nhân lực và sự đổi mới ở cấp địa phương còn hạn chế; pháp luật và thực tiễn quản trị hiện hành mới chỉ nhận được sự tham gia hình thức và có phần hạn chế của người dân đối với công tác quản lý tại địa phương…

“Để tiếp tục phát triển, việc cải cách thể chế và quản trị nhà nước theo hướng tăng cường sự tham gia, minh bạch và trách nhiệm giải trình là rất quan trọng. Quan trọng hơn, là Chính phủ cần tăng cường khả năng tiên lượng trước những biến động khó lường của giai đoạn tới, để hành động kịp thời. Các thiết chế mạnh mẽ và quản trị nhà nước tốt không thể đạt được trong ngắn hạn. Điều quan trọng là phải xây dựng một kế hoạch, chiến lược thận trọng để từng bước cải thiện vấn đề trên” - ông Kamal Malhotra nhấn mạnh.

Chia sẻ tại buổi tham vấn, ông Osmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần chú trọng tới 5 vấn đề trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển KTXH trong giai đoạn tới.

Thứ nhất, cần tư duy thêm về việc cải cách thể chế, hiện đại hóa nền hành chính và dịch vụ công, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) phát triển. Ông Osmane Dione phân tích, thể chế hiện tại chưa có những yếu tố nền tảng tốt để Việt Nam đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Thứ hai, để hài hòa giữa phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần đi sâu vào một số nội dung liên quan tới năng suất, năng lực của DN. Chính phủ sẽ phải đưa ra các chính sách phù hợp để hỗ trợ kết nối giữa các khu vực DN, nâng cao sức cạnh tranh và sức mạnh của DN.

Thứ ba, cần quan tâm về chất lượng hạ tầng và huy động vốn cho hạ tầng để đầu tư với chi phí phù hợp nhưng đem lại hiệu quả cao cho nền kinh tế.

Thứ tư, chú trọng đầu tư vào nguồn nhân lực thông qua giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội. Đây sẽ là tiền đề để có nguồn nhân lực đáp ứng cho nâng cao kỹ năng, đổi mới sáng tạo và nâng cao trình độ khoa học công nghệ.

Thứ năm, Việt Nam cần chú trọng phát triển kinh tế sạch, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Để làm được điều này, Việt Nam sẽ cần xây dựng nhiều chính sách đột phá ở cấp cao hơn, trước mắt là phải tập trung cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ.

Chuyên đề