Hai bệnh nhân nặng vẫn phải thở máy

Bệnh nhân Covid-19 người Việt 64 tuổi có chuyển biến, bệnh nhân người Anh 69 tuổi tăng suy hô hấp so với hôm qua, cả hai đều trong diện chăm sóc đặc biệt.

Thông tin do Bộ Y tế cho biết trưa 17/3, sau hội chẩn. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Cục trưởng Khám Chữa bệnh Lương Ngọc Khuê và các chuyên gia hàng đầu về hồi sức tích cực tham gia hội chẩn.

Bệnh nhân nữ người Việt, 64 tuổi, là bác gái của "bệnh nhân 17" Nguyễn Hồng Nhung, có bệnh lý nền rối loạn tiền đình, đang thở máy, lọc máu, duy trì được các chỉ số sinh tồn ổn. Bệnh nhân tỉnh, dừng dùng thuốc an thần.

Hôm 15/3, tình trạng khó thở ở bệnh nhân tăng, đến đêm bà suy hô hấp nặng. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định đặt ống khí quản, thở máy, đặt catheter tĩnh mạch, chuyển bệnh nhân tới khoa Hồi sức tích cực, lọc máu, theo dõi điều trị. Thở máy là biện pháp dùng máy tạo áp lực dương thông khí vào phổi, giúp tăng độ bão hòa oxy trong máu, chỉ định cho bệnh nhân tổn thương phổi, suy hô hấp hoặc các triệu chứng nặng khác.

Bệnh nhân nam người Anh 69 tuổi, có bệnh nền là đái tháo đường type 2, tăng huyết áp. Ông vẫn thở máy, nhịp tim đều, tình trạng suy hô hấp tăng, đang dùng các kỹ thuật huy động phổi, chưa phải dùng ECMO (hệ thống oxy hóa ngoài cơ thể). Bệnh nhân này từ ngày 15/3 đã được thở máy, lọc máu. Một đội cơ động phản ứng nhanh của Bệnh viện Bạch Mai đã tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để phối hợp điều trị bệnh nhân này.

Tính đến ngày 17/3, Việt Nam ghi nhận 61 bệnh nhân Covid-19, trong đó 16 người đã được chữa khỏi hoàn toàn. 45 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở y tế gồm 27 người Việt Nam, 18 người nước ngoài. Đa số bệnh nhân tình trạng sức khỏe ổn định, chức năng sống được kiểm soát.

Hiện có bốn bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần một, gồm "bệnh nhân 18" từ Hàn Quốc về điều trị tại Ninh Bình, hai người nước ngoài ở Bệnh viện Đà Nẵng, một người Anh ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Chuyên đề