Hà Nội muốn dùng 6.000 ha đất làm quỹ xây đường sắt đô thị

Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho sử dụng vốn ODA và 6.000 ha đất để làm quỹ đối ứng xây đường sắt đô thị. 

UBND TP Hà Nội vừa trình Thủ tướng phương án đầu tư, giải pháp và cơ chế thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn. 

Theo quy hoạch đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài hơn 417 km, bao gồm cả đường sắt đi trên cầu cạn, mặt đất và đi ngầm.

Tổng mức đầu tư dự kiến của 10 dự án đường sắt đô thị là hơn 40 tỷ USD. Riêng giai đoạn 2017-2020, TP Hà Nội cần khoảng hơn 7,5 tỷ USD; từ năm 2021 - 2025 vốn đầu tư khoảng 7,6 tỷ USD; từ 2026 - 2030 vốn là 3,5 tỷ USD; sau năm 2031 vốn đầu tư 21,3 tỷ USD. 

Hà Nội muốn dùng 6.000 ha đất làm quỹ xây đường sắt đô thị ảnh 1

Mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội.

Hà Nội đề xuất Thủ tướng 2 phương án đầu tư các tuyến đường sắt đô thị nêu trên. Trong đó, phương án một là Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn ODA thực hiện các dự án có kế hoạch đầu tư theo từng giai đoạn.

Phương án 2, Hà Nội đề nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn ODA để thực hiện đầu tư 2 tuyến đường sắt đô thị tuyến số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo đến Thượng Đình) và tuyến số 3 (đoạn ga Hà Nội đến Yên Sở, Hoàng Mai). Theo UBND thành phố, hiện Chính phủ Nhật Bản, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và một số nhà tài trợ khác đang quan tâm và mong muốn tài trợ vốn cho 2 dự án này. Trường hợp được Chính phủ bố trí nguồn vốn ODA, Hà Nội cam kết bố trí vốn đối ứng để thực hiện.

Với các dự án còn lại, Hà Nội sẽ đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Các doanh nghiệp được chọn là nhà đầu tư sẽ tự bỏ vốn lập hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi, khả thi, thuê tư vấn lập hồ sơ dự án, thực hiện giải phóng mặt bằng, đào và xây dựng đường hầm, nhà ga, xây dựng các tuyến đường trên cao, depot và đường ray.

Chính quyền thành phố đầu tư toàn bộ các hạng mục còn lại như đầu máy, toa xe, thiết bị vận hành, an toàn, an ninh (bao gồm cả hệ thống phần mềm điều khiển); thực hiện việc quản lý vận hành, khai thác theo một chương trình thống nhất trên toàn hệ thống của cả thành phố.

Về phương án vốn đối ứng, UBND TP Hà Nội dự kiến sẽ huy động được 337.000 tỷ đồng thực hiện các dự án đường sắt trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và từ 2021-2025. Cụ thể, Hà Nội đề xuất được bổ sung 6.000 ha đất (giá trị sử dụng khoảng 300.000 tỷ đồng) vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 để làm quỹ đối ứng cho các nhà đầu tư; đấu giá quyền sử dụng đất để tạo vốn cho các dự án giao thông PPP nói chung.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ huy động khoảng 15.000 tỷ đồng từ đấu giá, cho thuê quỹ nhà đất chuyên dùng, biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, trụ sở đơn vị dôi dư nằm trong danh mục được phép bán, cho thuê.

Hà Nội cũng đề nghị được hưởng cơ chế tài chính theo Luật Thủ đô để làm đường sắt đô thị và giao thông, với việc hưởng toàn bộ số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn; được sử dụng toàn bộ số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước thuộc thành phố (khoảng 22.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020).

UBND TP Hà Nội cho biết, hiện đã có 5 nhà đầu tư trong nước và 2 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư các dự án xây dựng đường sắt đô thị trên địa bàn Thủ đô.

Sau khi Hà Nội có tờ trình với các nội dung nêu trên, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan đề nghị cho ý kiến.

HiệnHà Nội có 4 tuyến đường sắt đô thị đang triển khai, gồm 2 tuyến do Bộ Giao thông làm chủ đầu tư là tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên và tuyến số 2 A đoạn Cát Linh - Hà Đông.

2 tuyến do Hà Nội đầu tư là tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội, hiện dự án đã hoàn thành khoảng 30% khối lượng xây lắp, dự kiến đưa vào khai thác năm 2021; tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo giai đoạn đấu thấu; 3 tuyến đang làm thủ tục nghiên cứu báo cáo tiền khả thi và 3 tuyến còn lại chưa triển khai thực hiện.

Chuyên đề