Gói hỗ trợ người dân chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19: Không để người dân chờ đợi lâu

(BĐT) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, việc sử dụng nguồn lực tài khóa để trực tiếp ổn định đời sống của người nghèo, người yếu thế trong xã hội, đảm bảo an sinh xã hội được đánh giá là cần thiết và cấp thiết. Như cách nói của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: “Khi dịch bệnh lây lan thì tình người cũng lan tỏa. Đó là giải pháp không có trong mọi kế hoạch nhưng luôn phải được thực thi một cách nhanh chóng”.
Quy mô gói hỗ trợ dự kiến khoảng 62 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người, trong đó có đối tượng bị mất, thiếu việc làm do dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên
Quy mô gói hỗ trợ dự kiến khoảng 62 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người, trong đó có đối tượng bị mất, thiếu việc làm do dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên

Chính sách nhân văn

Theo nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tác động của dịch bệnh và các biện pháp chống dịch là sự đình trệ trong sản xuất và sinh hoạt của người dân. Do vậy, một số quốc gia sử dụng hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng tiền trong giai đoạn cao điểm chống dịch để giúp người dân đảm bảo những nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa duy trì khả năng thanh toán, hỗ trợ trả lương cho người lao động trong khoảng thời gian ngưng việc cũng được nhiều nước áp dụng.

Nhiều quốc gia đã nhanh chóng thông qua các gói chính sách về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Nhật Bản dành 1,8% - 2,7% ngân sách bổ sung để hỗ trợ người lao động, cho vay doanh nghiệp nhỏ và hỗ trợ tiền mặt cho người dân. Thái Lan dành gói 518 tỷ THB (3% GDP) để hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ tiền mặt và cho vay đối với 3 triệu người lao động ngoài hệ thống an sinh xã hội. Gói tài khóa 6 tỷ MYR (0,4% GDP) của Malaysia cũng dành một phần miễn thuế tạm thời, hỗ trợ tiền mặt cho người dân... Thực tế cho thấy, các quốc gia thống nhất trong nội bộ rất nhanh và ở cấp cao nhất về các biện pháp hỗ trợ; phương pháp và cách thức hỗ trợ chưa từng có trong tiền lệ; chấp nhận vượt giới hạn quy định thông thường về kỷ luật quản lý tài chính, ngân sách…

Đối với Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo... Dự báo trong tháng 4, tháng 5, dịch bệnh còn phức tạp, khoảng 2 triệu lao động có thể ngừng việc, mất việc làm; trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm. Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, gói hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế, người lao động… chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội, đồng thời thể hiện cam kết về Chính phủ hành động như phương châm nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ.

Hỗ trợ khẩn trương, đúng đối tượng

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 vào ngày 1/4/2020 vừa qua, Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được đưa ra thảo luận, được các thành viên Chính phủ thống nhất, đánh giá cao. Ngày 5/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết. Tại các cuộc họp, Thủ tướng lưu ý, việc hỗ trợ phải khẩn trương, không để người dân chờ đợi lâu, thực hiện chi hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách.

Ngay sau phiên họp Thường trực Chính phủ, ngày 6/4, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã ký Báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, tổ chức triển khai thực hiện.

Trong Báo cáo, Chính phủ xin ý kiến quy mô hỗ trợ (bao gồm cả hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ gián tiếp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội), dự kiến khoảng 62 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người. 6 đối tượng được hỗ trợ là những người yếu thế, người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, người bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19...

Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc triển khai thực hiện ngay gói hỗ trợ nêu trên; cho phép thực hiện ngay một số chính sách và báo cáo Quốc hội. Đồng thời, căn cứ yêu cầu thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách nhà nước, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ cho phù hợp. Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội tình hình tổ chức thực hiện tại Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020...

Cách đây ít ngày, trong thư gửi tới các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sát cánh cùng Chính phủ, trong phạm vi Hiến pháp và luật cho phép, ban hành các chính sách kịp thời và hiệu quả nhằm chặn đứng đại dịch Covid-19.

Hôm nay (8/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp cho ý kiến về các vấn đề Chính phủ trình.

Chuyên đề