Giám sát việc bổ nhiệm vào cuối nhiệm kỳ

(BĐT) - “Cứ cuối nhiệm kỳ lại ồ ạt bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển từ chỗ này sang chỗ khác không đúng quy trình, không đúng trách nhiệm. Chuyên đề này xứng đáng giám sát tối cao”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh và nhất trí lựa chọn chuyên đề cải cách hành chính nhà nước để đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội khóa XIV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất 4 nội dung giám sát chuyên đề năm 2017. Ảnh: Phương Hoa
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất 4 nội dung giám sát chuyên đề năm 2017. Ảnh: Phương Hoa

Tại ngày làm việc cuối cùng của Phiên họp thứ 50 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Tổng thư ký Quốc hội đã trình 6 vấn đề để UBTVQH xem xét lựa chọn 4 vấn đề để Quốc hội và UBTVQH giám sát. 6 vấn đề này được lựa chọn từ 187 nội dung đề xuất của các cơ quan trên cơ sở tiếp thu ý kiến tham gia của các cơ quan và xem xét tình hình thực tế.

Theo đó, 6 nhóm vấn đề gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo đại học, sau đại học, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, vấn đề bức xúc nhất hiện nay là an toàn giao thông, vì nếu căn cứ vào yếu tố tính vĩ mô và cấp thiết của tình hình sẽ thấy, mỗi năm có gần 9 nghìn người chết vì tai nạn giao thông và 18 nghìn người thương tích, để lại gánh nặng lớn cho gia đình, xã hội. Các cơ quan chức năng mới báo cáo tình hình chết tại chỗ, có thể chưa báo cáo hết những người chết tại bệnh viện hoặc sau đó. Do đó, đề xuất giám sát nội dung này, bà Nga cho rằng, từ khóa X đến nay, Quốc hội chưa tiến hành giám sát tối cao về an toàn giao thông, chỉ có giám sát của UBTVQH về chủ đề này.

Một số ý kiến của các thành viên UBTVQH đề nghị lựa chọn chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển” trình Quốc hội giám sát tối cao.

Song, theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nên chọn chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020” để trình Quốc hội giám sát tối cao.

Đối với việc giám sát các dự án BOT, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các dự án này không có trên toàn quốc, nên ở mức độ UBTVQH giám sát. “Các dự án chỉ nằm ở quốc lộ, cung đường mà thu hồi vốn được người ta mới làm. Không phải tỉnh nào cũng có BOT, nên để Thường vụ giám sát” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Trao đổi thêm về chuyên đề giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển, bà Ngân cho rằng, nên để UBTVQH giám sát.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, năm 2017, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn 2 chuyên đề tại hai kỳ họp. UBTVQH giám sát 2 chuyên đề tại hai phiên họp tháng 8 và tháng 9. Hội đồng Dân tộc tiến hành từ 3 đến 4 chuyên đề.

Trong nội dung làm việc sáng ngày 12/7, UBTVQH cũng đã thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Tại cuộc họp, UBTVQH cho biết, sẽ ưu tiên các dự án luật, pháp lệnh đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân.

Theo đó Nghị quyết về bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; các dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Hành chính công, Luật Ban hành quyết định hành chính, Luật Quy hoạch… sẽ là những dự án luật được ưu tiên trong thời gian tới.

Một số dự án luật sẽ phải lùi từ Kỳ họp thứ 2 sang Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khoá XIV do cần thời gian chuẩn bị thêm như Luật Quốc phòng sửa đổi; Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Do còn nhiều nội dung chưa được làm rõ, các dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Luật Chứng thực, Luật Máu và tế bào gốc sẽ bị rút khỏi chương trình năm 2016.

Một số dự án như Luật Dân tộc, Luật Dân số, Luật Thư viện, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thanh niên, Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh, Luật An ninh quốc gia (sửa đổi), Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Luật Tình báo… cũng chưa được xem xét đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội năm 2017.

Chuyên đề