“Gam màu sáng” của kinh tế 2016

(BĐT) - Tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt từ 5,7 - 5,8% trong 6 tháng đầu năm 2016 và đạt mục tiêu 6,7% trong năm 2016 (bằng mục tiêu Chính phủ đề ra). Dự báo tích cực trên được Trung tâm Nghiên cứu BIDV đưa ra tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 công bố hôm qua (30/5).
Tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt từ 5,7 - 5,8% trong 6 tháng đầu năm 2016 và đạt mục tiêu 6,7% trong năm 2016. Ảnh Internet
Tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt từ 5,7 - 5,8% trong 6 tháng đầu năm 2016 và đạt mục tiêu 6,7% trong năm 2016. Ảnh Internet

Dự báo khả quan hơn

Khác hẳn với những dự báo có phần kém lạc quan trong “bức tranh” kinh tế Việt Nam quý I của nhiều định chế tài chính, Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 của Trung tâm Nghiên cứu BIDV cho rằng: “Kinh tế Việt Nam đã có diễn biến khả quan, sức cầu nền kinh tế tiếp tục ổn định, xuất khẩu tăng khá, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ, tín dụng tăng trưởng tích cực, thị trường ngoại hối ổn định”. Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu BIDV dự báo, tăng trưởng GDP quý II/2016 sẽ đạt 6,0 - 6,2%, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm là 5,7 - 5,8% và cán mốc từ 6,5 - 6,7% trong cả năm 2016.

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, Báo cáo phân tích, sức cầu nội địa tiếp tục khả quan trong 5 tháng đầu năm nay. Tốc độ tăng chỉ số hàng tồn kho tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều mức tăng của năm 2015 (11,5%), điều này cho thấy tín hiệu tiêu thụ tốt của thị trường. Trong 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 44.740 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 349,5 nghìn tỷ đồng, tăng 24,1% về số doanh nghiệp (DN) và tăng 59,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Số vốn đăng ký bình quân một DN đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 28,4%, điều này cho thấy kỳ vọng của DN vào nền kinh tế đang tăng.

Đề cập về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Trung tâm Nghiên cứu BIDV nhận định, FDI đăng ký trong tháng 5 tiếp tục tăng trưởng tích cực.  Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, tính đến ngày 20/5/2016, tổng vốn đăng ký 5 tháng đầu năm 2016 là 10,16 tỷ USD, tăng 136,4% so với cùng kỳ năm 2015 (riêng tháng 5/2016 đạt 3,26 tỷ USD). Điều này cho thấy sự tin tưởng mạnh mẽ của cộng đồng DN quốc tế đối với môi trường kinh doanh và cam kết của Chính phủ Việt Nam. Bên cạnh vốn cam kết, lượng vốn giải ngân 5 tháng đầu năm đạt 5,8 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Trước tín hiệu vui đó, Báo cáo dự báo, triển vọng thu hút vốn FDI đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2016 được đánh giá sẽ khả quan, ước đạt  8,5 - 9 tỷ USD, FDI giải ngân ước đạt 6,5 - 7 tỷ USD.

Về thị trường tài chính, Trung tâm này nhìn nhận, tín dụng tăng trưởng khả quan và thấp hơn tăng trưởng huy động vốn, thị trường tiền tệ đi vào ổn định. Đặc biệt, trái ngược với dự đoán thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ diễn biến không tích cực trong tháng 5 do đây là giai đoạn khoảng trống thông tin xuất hiện (hầu hết các tin tức vĩ mô quan trọng đều được công bố vào quý I và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chủ yếu rơi vào tháng 4), TTCK lại cho thấy xu hướng tăng điểm. Nút thắt về nới room đang được dần tháo gỡ sẽ khiến khối ngoại tiếp tục mua ròng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Báo cáo cho rằng, với sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam trong tháng 5/2016, dự kiến sẽ tạo cho nhà đầu tư thêm hứng khởi và lạc quan trong thời gian tới.

Khéo léo và linh hoạt trong điều hành

Trước những tín hiệu có phần tích cực về bức tranh kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cũng như cả năm 2016, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm như dự báo đưa ra với cách điều hành vừa linh hoạt, vừa khéo léo.

Theo ông Võ Trí Thành, tại Báo cáo này, Trung tâm Nghiên cứu BIDV đã nhìn nhận được những khó khăn nội tại của nền kinh tế, song cũng chỉ ra được những yếu tố tích cực từ những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Và để đạt được những mục tiêu đưa ra, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Việc khơi dậy được nguồn lực từ khu vực tư nhân là vô cùng quan trọng. Khi khu vực này có niềm tin tốt vào môi trường sẽ kích thích tăng đầu tư, tăng tiêu dùng… Tôi nhìn thấy những nỗ lực của Chính phủ đang theo hướng này!”.

Đồng tình và lạc quan với những dự báo trên, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Môi trường kinh doanh đang có những bước tiến đáng kể, thủ tục gia nhập thị trường cho DN ngày càng thuận lợi, lãi suất ngân hàng cũng đang ủng hộ DN…”.

Nhằm đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế đặt ra trong năm 2016, Báo cáo khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục phát huy những kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được 5 tháng đầu năm, tháo gỡ khó khăn cho DN, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô,  nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trên cơ sở bám chắc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 12/4/2016 về 6 trọng tâm ưu tiên, 10 nhiệm vụ cấp bách.

Đặc biệt lưu ý đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng thời gian tới, Báo cáo cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý, đồng thời bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN. Tiếp tục thực hiện triển khai tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016 - 2020, tập trung vào việc tái cấu trúc các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý dứt điểm vấn đề nợ xấu; minh bạch hóa hoạt động theo thông lệ...

Chuyên đề