Du lịch Việt 2017: Ấn tượng nhưng việc còn nhiều

Trong cuộc họp chiều 26/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục triển khai những giải pháp cụ thể, thực hiện bằng được đề án tái cơ cấu ngành du lịch để duy trì sức tăng trưởng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện bằng được đề án tái cơ cấu ngành du lịch. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện bằng được đề án tái cơ cấu ngành du lịch. Ảnh: VGP

Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết, năm 2017, du lịch Việt Nam đón được trên 13 triệu khách quốc tế (đáp ứng chỉ tiêu được giao tăng 30% về khách quốc tế, kết quả này có thể coi là kỳ tích của ngành lần đầu tiên mức tăng về khách du lịch đạt gần 3 triệu khách/năm); phục vụ 73,2 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 510.900 tỷ đồng.

Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch không ngừng được đầu tư, phát triển với trên 25.000 cơ sở lưu trú, hơn 500.000 buồng; trong đó 116 khách sạn 5 sao với trên 33.000 buồng, 259 khách sạn 4 sao và 488 khách sạn 3 sao... Đã hình thành được nhiều khu du lịch có chất lượng, có thương hiệu... Hiện cả nước có 1.811 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 20.229 hướng dẫn viên, trong đó có 12.258 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 7.971 hướng dẫn viên du lịch nội địa.

Ngành du lịch tiếp tục thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư của xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính vào các dự án xây dựng cơ sở lưu trú có quy mô lớn, khu vui chơi giải trí đẳng cấp và hiện đại.

Đầu tư du lịch tăng cả về số lượng và quy mô, tiêu biểu gồm: Đà Nẵng có 83 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch dịch vụ với tổng vốn đầu tư khoảng 7,3 tỷ USD; Khu biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Hội, Nghệ An với tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng; Công viên nước hiện đại bậc nhất Đông Nam Á trong quần thể vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế Sun World Halong Complex tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh); Tổ hợp Du lịch và giải trí Cocobay Đà Nẵng, khách sạn PAO’s Sapa Leisure Hotel 5 sao sang trọng, đẳng cấp đầu tiên tại Sapa...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chất lượng dịch vụ tại một số khu, điểm du lịch còn chưa đảm bảo, đặc biệt là thời kỳ cao điểm. Công tác quản lý chưa đồng bộ, chặt chẽ, dẫn đến xuất hiện tình trạng tour giá rẻ, quản lý khách, hướng dẫn viên còn tạo dư luận bức xúc trong xã hội.

Năng lực cạnh tranh còn thấp, thương hiệu du lịch chưa xứng tầm và hiệu quả sử dụng marketing hiện đại để quảng bá chưa cao. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường còn thiếu sót, rác thải ô nhiễm, tai nạn ảnh hưởng đến an toàn của khách du lịch tại một số điểm du lịch còn xảy ra.

Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá những kết quả của ngành du lịch trong năm qua “không chỉ góp phần tăng trưởng dịch vụ, thúc đẩy các ngành khác, đặc biệt liên quan chặt chẽ đến câu chuyện xây dựng đời sống văn hoá, hình thành nếp sống văn minh, chấp hành pháp luật, hội nhập…”.

Không chỉ tiếp đà ấn tượng của năm trên những chỉ tiêu chủ yếu, vị thế của ngành du lịch còn thể hiện qua những đánh giá của quốc tế: Việt Nam đứng ở vị trí 6/10 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới năm 2017, dựa trên tăng trưởng lượng khách; Công ty du lịch Vietravel được bình chọn là “Nhà điều hành tour du lịch trọn gói hàng đầu thế giới”; Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines được bình chọn là “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hóa”; Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort tại Đà Nẵng được bình chọn lần thứ 3 với danh hiệu là “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới”…

Theo Phó Thủ tướng, công tác xúc tiến du lịch có nhiều thay đổi tích cực khi Tổng cục Du lịch đã cùng các DN hệ thống lại các hội chợ du lịch quốc tế, huy động được nhiều DN lớn tham gia, đặc biệt hoạt động xúc tiến du lịch trên môi trường mạng, qua mạng xã hội.

Thủ tục nhập cảnh được đơn giản hoá, rút ngắn thời gian một bước. Hạ tầng giao thông tốt hơn. Môi trường du lịch có nhiều tiến bộ dù chưa được như kỳ vọng. Nhiều dự án, hạng mục du lịch đẳng cấp, hiện đại, do các tập đoàn, DN lớn triển khai cách đây 4-5 năm, đi vào hoạt động tạo sự thay đổi về chất lượng sản phẩm du lịch, hình thành thương hiệu mạnh của các điểm đến.

Đào tạo nguồn nhân lực du lịch bước đầu đã mở ra định hướng đào tạo chuyển đổi và cần thực hiện quyết liệt để khắc phục tình trạng “nhân lực du lịch chỉ bằng 1/10 nhu cầu trong khi cử nhân các ngành khác ra trường thất nghiệp nhiều”.

“Du lịch Việt Nam vẫn còn thiếu rất nhiều thứ, từ sản phẩm đến cơ sở lưu trú, nhân lực du lịch, bảo tàng, công viên chuyên đề… Đây là những vấn đề cần tập trung trong thời gian tới.

Chiến lược phát triển du lịch cần tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch du lịch cần xem xét cho phù hợp với tình hình mới, nhưng đặc biệt đề án tái cơ cấu là vô cùng quan trọng phải làm sớm và làm bằng được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ VHTT&DL chỉ đạo ngành du lịch lựa chọn một số việc cụ thể để thực hiện nhằm nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện.

“Các đồng chí có dám chọn việc cải thiện nhà vệ sinh công cộng tại các di tích, khu du lịch; thay đổi cơ chế quản lý di tích từ Nhà nước, chính quyền sang DN; phát động phong trào sinh viên, hoặc người lớn tuổi làm hướng dẫn viên du lịch tình nguyện”, Phó Thủ tướng gợi mở và mong muốn “ngành du lịch chọn một số việc trọng tâm, làm bằng được để tiếp tục đẩy mạnh môi trường du lịch”.

Chuyên đề