Động lực mới cho hợp tác đầu tư Việt Nam - New Zealand

(BĐT) - Sau hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, New Zealand đã trở thành đối tác toàn diện của Việt Nam và nay cả hai nước đang hướng tới việc nâng tầm lên quan hệ đối tác chiến lược. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân thăm Trường Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand - nơi có nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học. Ảnh: Đà Trang
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân thăm Trường Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand - nơi có nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học. Ảnh: Đà Trang

Chuyến thăm New Zealand của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc theo lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đang nhận sự kỳ vọng rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp hai nước về việc thúc đẩy hợp tác đầu tư - thương mại lên tầm cao mới, ngày càng phát triển bền vững.

New Zealand là đối tác phát triển quan trọng

Đánh giá mối quan hệ đối tác phát triển giữa Việt Nam và New Zealand, Vụ Kinh tế đối ngoại thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, New Zealand được xem là một trong những đối tác viện trợ lâu năm và ổn định của Việt Nam. Kể từ năm 1995 đến nay, hàng năm, Chính phủ New Zealand đều đặn cung cấp ODA không hoàn lại cho Việt Nam nhằm hỗ trợ các lĩnh vực: Nông nghiệp, giáo dục, quản lý thảm họa thiên nhiên và hướng tới đáp ứng nhu cầu của Việt Nam trong phát triển kinh tế bền vững. Trong giai đoạn từ tháng 7/2015 - 6/2018, New Zealand cam kết cung cấp 26,66 triệu đô la New Zealand (tương đương 18,6 triệu USD) ODA không hoàn lại cho Việt Nam. Ngoài hợp tác song phương, New Zealand còn dành ODA cho Việt Nam thông qua các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB), Oxfarm và thông qua các tổ chức phi chính phủ như Childfund New Zealand, ADRA New Zealand.

Theo Vụ Kinh tế đối ngoại, một trong những chương trình hợp tác ODA giữa hai nước đạt hiệu quả cao là chương trình đào tạo tiếng Anh dành cho cán bộ thuộc các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam (ELTO). Theo Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam, mỗi năm, New Zealand cung cấp 30 suất học bổng trình độ sau đại học, 25 suất học bổng bồi dưỡng tiếng Anh cho cán bộ thuộc diện ELTO và 11 học bổng đào tạo ngắn hạn cho Việt Nam. 

Dư địa hợp tác đầu tư vẫn còn rất lớn

Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, New Zealand hiện có 29 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 102,4 triệu USD, đứng thứ 45/126 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Dưới hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, vốn FDI của New Zealand tại Việt Nam tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 9 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 47,89 triệu USD; đứng thứ hai là lĩnh vực giáo dục và đào tạo với 02 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 33,44 triệu USD; đứng thứ ba là lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản với 02 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 15,8 triệu USD...

Các nhà đầu tư New Zealand đã đầu tư vào 9/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó về lượng vốn đầu tư, nhiều nhất là vào TP.HCM với 13 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 53,41 triệu USD; đứng thứ hai là Nam Định với 01 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 16,5 triệu USD; đứng thứ ba là Bình Định với 02 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 15,1 triệu USD...

Ngược lại, tính đến nay, Việt Nam có 07 dự án đầu tư sang New Zealand, với tổng vốn đăng ký là 24,64 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ...

Mặc dù quan hệ giữa hai nước ngày một phát triển, tuy nhiên, theo nhiều ý kiến đánh giá, trong hợp tác đầu tư song phương, những kết quả đạt được còn khá “khiêm tốn” và dư địa còn rất lớn. Cộng đồng doanh nghiệp hai nước rất kỳ vọng chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Việt Nam cũng mong muốn New Zealand nâng mức viện trợ ODA không hoàn lại song phương cho Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; phát triển nguồn nhân lực; quản lý và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.

Nhiều ý kiến cho rằng, hai bên cần xây dựng cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về hợp tác phát triển nhằm đánh giá kết quả hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này, từ đó đề ra các định hướng, biện pháp sử dụng vốn hỗ trợ phát triển của New Zealand phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam. Theo kế hoạch, tháng 5/2018, Chính phủ New Zealand sẽ trình Quốc hội nước này Chương trình viện trợ giai đoạn 2018 - 2021 cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Phía New Zealand tin tưởng rằng ODA không hoàn lại dành cho Việt Nam sẽ tiếp tục giữ ở mức của giai đoạn 7/2015 - 6/2018. 

Chuyên đề