Đốc thúc giải ngân vốn, giảm chi phí cho doanh nghiệp

(BĐT) - Qua 7 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phấn đấu đạt tăng trưởng 6,7% trong năm nay; coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng bộ, ngành, địa phương. 
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu... để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Ảnh: Lê Tiên
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu... để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó giải ngân đầu tư công và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của doanh nghiệp là những giải pháp được lãnh đạo Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh. 

Quyết liệt giải ngân đầu tư công

Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 119 nghìn tỷ đồng, đạt 38,6% kế hoạch vốn năm 2017 đã được Thủ tướng Chính phủ giao (hơn 309 nghìn tỷ đồng), cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, nếu so với tổng số vốn kế hoạch năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội (357 nghìn tỷ đồng), thì giải ngân 7 tháng mới đạt khoảng 33,4%, tương đương cùng kỳ năm trước.

Thông tin tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra chiều ngày 3/8/2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công là nội dung được Thủ tướng đốc thúc quyết liệt trong thời gian qua. Giải ngân vốn đầu tư công hết tháng 7 có tăng so với thời điểm tháng 6 nhưng chưa đạt yêu cầu và nhiều bộ, ngành có vốn giải ngân giảm so với cùng kỳ.

Tại cuộc họp Chính phủ tháng 7, Thủ tướng yêu cầu cần phải tăng cường huy động, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư; phấn đấu tổng đầu tư toàn xã hội tương đương 34 - 35% GDP. Các bộ ngành, địa phương nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm về việc chậm giải ngân; phân tích, đánh giá tình hình, báo cáo rõ nguyên nhân giải ngân chậm (đặc biệt ở các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia), đề xuất giải pháp tập trung khắc phục hiệu quả ngay trong những tháng tới.

Trong ngày 3/8, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện dự án sau khi nhận được thông báo chi tiết kế hoạch vốn năm 2017; chủ động có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án. Lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực (kỹ thuật và tài chính), kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, hàng hóa, dịch vụ. Tăng cường đấu thầu qua mạng theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước, không dồn vốn vào cuối năm mới thanh toán. Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phải khẩn trương phê duyệt quyết toán, giải ngân hết số vốn cho các nhà thầu theo nội dung hợp đồng; chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn năm 2017 của các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân sang các dự án khác có nhu cầu, có tiến độ giải ngân tốt, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. 

Giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp

Từ những số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, doanh nghiệp thành lập mới 7 tháng tăng cả về số doanh nghiệp và số vốn đăng ký; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng. Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định, đây là kết quả tích cực của nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tại Diễn đàn khu vực kinh tế tư nhân vừa diễn ra, các doanh nghiệp tư nhân cũng đánh giá môi trường kinh doanh có sự cải thiện rất tốt so với thời điểm năm trước.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vẫn còn 43 nghìn doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhất là trong vấn đề tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục hành chính, gánh nặng chi phí,… Ngay tại phiên họp tháng 7, Chính phủ đã thảo luận chuyên đề về các biện pháp giảm mức phí (chi phí chính thức và chi phí không chính thức), chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Trong đó, có các giải pháp giảm chi phí đường bộ qua trạm BOT, giảm phí hạ tầng công cộng, khu vực cảng, giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi thông quan từ 30 - 35% xuống còn 15% khi xuất nhập khẩu.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hiện còn 5.719 thủ tục, giấy phép của các bộ ngành. Có những bộ có tới 220 giấy phép, nhất là Bộ Công Thương, Bộ ít nhất cũng còn 106 giấy phép là Bộ Xây dựng. Đây là con số rất lớn và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng sẽ rà soát lại toàn bộ các thủ tục và giảm thủ tục. Thủ tướng đã giao Bộ KH&ĐT rà soát lại toàn bộ thủ tục liên quan đến giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin, chi phí phát sinh để làm các thủ tục. Đối với những chi phí không chính thức, cần nhiều biện pháp, đặc biệt là công khai, minh bạch mọi quy trình, thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu.

Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước có biện pháp cụ thể phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp; tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...).

Chuyên đề