Đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với cựu tổng giám đốc VEAM Trần Ngọc Hà

Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã có Quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ông Trần Ngọc Hà, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên tổng giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
Ông Trần Ngọc Hà - Cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty VEAM vừa bị bắt.
Ông Trần Ngọc Hà - Cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty VEAM vừa bị bắt.

Ngày 6/8, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã có quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ông Trần Ngọc Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương, cư trú tại số 3, ngách 6, ngõ 31 phố Vĩnh Phúc, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Theo Bộ Công Thương, việc đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ông Trần Ngọc Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương trong thời gian đình chỉ được tính theo thời hạn quy định của pháp luật (kể cả gia hạn, nếu có).

Trước đó, ngày 03/8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 48/C03-P13 và Quyết định khởi tố bị can số 202/C03-P13 đối với ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc VEAM.

Ông Hà bị bắt để điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Hồi tháng 5/2019, Bộ Công Thương cũng đã có kết luận thanh tra chỉ ra loạt sai phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, hoạt động kinh doanh, tổ chức cán bộ tại doanh nghiệp này.

Kết luận này chỉ rõ, trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda...) mang lại. Nếu không tính số tiền lãi từ các liên doanh trên, hoạt động sản xuất kinh doanh của VEAM bị lỗ.

Bên cạnh đó, VEAM còn tự ý cho vay tính lãi, gia hạn nợ gốc và giảm lãi, miễn lãi mà không có quy định cụ thể bằng văn bản. Thậm chí một số trường hợp vay không có hợp đồng mà chỉ có giấy nhận nợ, với tổng số tiền chưa thu hồi được lên tới hơn 595 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là việc rót vốn vào Nhà máy ôtô VEAM không thông qua Hội đồng thành viên lên tới hàng trăm tỷ đồng, không thực hiện đầy đủ việc giám sát tài chính, gây mất vốn đầu tư của VEAM 331,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương kết luận, việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác kiểm tra, giám sát thiếu chặt chẽ đối với xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch tài chính hằng năm dẫn đến hoạt động của VEAM và một số đơn vị thành viên nhiều năm không hiệu quả, gây nguy cơ thất thoát vốn nhà nước, tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

Việc thực hiện công tác cán bộ không đúng quy định trong giai đoạn 2010 đến tháng 6/2018, trách nhiệm thuộc về loạt lãnh đạo của VEAM qua các thời kỳ, trong đó có ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014; Tổng giám đốc 2015-2018).

Ông Trần Ngọc Hà – 55 tuổi, làm việc tại VEAM từ năm 1988, trải qua nhiều chức vụ tại doanh nghiệp này. Sau ba năm làm tổng giám đốc, ông bị đình chỉ chức vụ vào tháng 9/2018.

Tháng 3/2019, ông bị HĐQT bãi nhiệm chức danh. Tại ĐHCĐ 2019 diễn ra hồi tháng 6/2019, ông Trần Ngọc Hà bị bãi nhiệm với 98,73% số cổ phần tham dự đồng ý bãi nhiệm nốt chức danh thành viên HĐQT.

Chuyên đề