Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018: Để doanh nghiệp FDI “cắm rễ” vào nền kinh tế

(BĐT) - Sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khối doanh nghiệp (DN) FDI đã có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn nhất chính là sự liên kết giữa DN FDI và DN trong nước chưa được như kỳ vọng, trong đó mấu chốt là vấn đề chuyển giao công nghệ.

Làm thế nào để kết nối hai khối DN này, giúp DN FDI gắn bó lâu dài và phát triển bền vững tại Việt Nam là nội dung được VBF giữa kỳ năm 2018 diễn ra ngày 4/7 tại Hà Nội bàn thảo. 

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018: Để doanh nghiệp FDI “cắm rễ” vào nền kinh tế ảnh 1
Cải thiện khả năng hấp thụ công nghệ của DN trong nước

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Qua 3 phiên thảo luận tại Diễn đàn, nhiều đề xuất đã được cộng đồng DN đưa ra nhằm tháo gỡ những nút thắt, những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong nhiều lĩnh vực, từ cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, phát triển nông nghiệp công nghệ cao... cho đến phát triển thị trường vốn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được Chính phủ giao xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó đưa ra định hướng phát triển, giải pháp cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tài chính... Hiện có hai ý tưởng để cải thiện việc hấp thụ công nghệ cho DN trong nước. Một là xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia để hấp thụ khoa học công nghệ, đặt hàng nghiên cứu khoa học công nghệ để chuyển giao cho DN. Hai là kêu gọi kết nối nhân tài người Việt ở khắp nơi trên thế giới, đang làm việc ở các cơ sở nghiên cứu hàng đầu thế giới, nắm giữ các công nghệ tiên tiến với trong nước để phát triển công nghệ.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018: Để doanh nghiệp FDI “cắm rễ” vào nền kinh tế ảnh 2
Thu hút FDI - “niềm vui chưa trọn vẹn”

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Năm 2018 là năm đánh dấu mốc thời gian 30 năm FDI hiện diện tại Việt Nam. Chúng ta vui mừng trước những đóng góp lớn của FDI với nền kinh tế Việt Nam, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm và đưa Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới. Tuy nhiên, chúng ta chưa hài lòng với chất lượng FDI, đặc biệt là tính lan tỏa về công nghệ với nền kinh tế. Hình ảnh “chàng trai FDI” đã có mặt tại Việt Nam đến 30 năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể kết hôn được với những “cô gái” mang tên các DN Việt Nam. Vừa rồi có một thông tin liên quan đến thu hút FDI khiến chúng ta vừa vui, song lại vừa buồn. Đó là để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất kinh doanh sắp tới, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đang có kế hoạch đưa vào Việt Nam hơn 200 nhà cung ứng của họ. Đây là tin vui khi chúng ta thu hút thêm nhiều nhà đầu tư FDI hơn, nhưng nếu các nhà cung ứng đó là các DN nội địa thì niềm vui sẽ trọn vẹn hơn.

Do đó, thúc đẩy kết nối DN FDI và DN trong nước là hướng đi quan trọng trong thời gian tới. 30 năm FDI có mặt tại Việt Nam là thời gian chúng ta làm quen, tìm hiểu, còn 30 năm tới, chúng ta hy vọng các DN này sẽ “kết hôn”, “sinh con đẻ cái”, hình thành được các chuỗi giá trị có trách nhiệm của các DN FDI tại Việt Nam với các DN tư nhân trong nước.

Để thúc đẩy quá trình này, tôi đề nghị Chính phủ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo các xếp hạng thế giới và của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương cải thiện trực tiếp các chỉ số liên quan như: Năng lực hấp thụ công nghệ của nền kinh tế; chuyển giao công nghệ từ DN FDI sang các DN nội địa…

Một giai đoạn mới của FDI cần gắn với yêu cầu nâng cao trình độ công nghệ, gắn với lan tỏa công nghệ, gắn với kết nối DN. Đến lúc chúng ta cần phải đưa ra những chỉ tiêu cụ thể về việc này để định hướng dòng vốn đầu tư, thành các chương trình đồng bộ, từ thể chế đến kết nối với các DN cụ thể, thúc đẩy liên kết…

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018: Để doanh nghiệp FDI “cắm rễ” vào nền kinh tế ảnh 3
DN Việt chưa đáp ứng được nhu cầu của DN FDI

Ông Kim Heung Soo - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và nuôi dưỡng các DN nhỏ và vừa ngành chế tạo. Thế nhưng, thực tế là đại đa số các DN địa phương ở Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất các sản phẩm hỗ trợ đáp ứng yêu cầu của các DN FDI. Do đó, Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp FDI cần nỗ lực để cải thiện tình hình này.

Một điểm đáng lo ngại khác đó là sự thiếu nhất quán của chính sách. Mặc dù đã có những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, song vẫn còn một vài điểm đáng tiếc do các quyết định hành chính của Chính phủ. Đó là vấn đề liên quan đến miễn và hoàn thuế đối với hàng xuất khẩu sản xuất bằng thuê ngoài. Cụ thể, sau khi các DN Hàn Quốc đặt hàng các DN hợp tác Hàn - Việt và nhận được sản phẩm thì họ hoàn thiện thành phẩm và xuất khẩu ra nước ngoài. Đây là phương thức xuất khẩu phổ biến nhất. Tuy nhiên, theo giải thích của Tổng cục Hải quan thì “trường hợp các công ty nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu sản xuất thành phẩm bằng thuê ngoài toàn bộ hay một phần thì không thuộc đối tượng miễn thuế”. Trong khi đó, từ trước tới nay, dù sản xuất thành phẩm bằng thuê ngoài toàn bộ hay một phần thì sau khi xuất khẩu xong chỉ cần chứng minh nguyên liệu nhập khẩu đã tiêu thụ theo thủ tục thanh lý thì được miễn thuế hoặc hoàn thuế.

Để các DN xuất khẩu không gặp bất lợi, chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam ban hành quy định nêu rõ “miễn thuế đối với cả trường hợp sản xuất bằng thuê ngoài”. Nhờ đó, tập trung nuôi dưỡng các DN hỗ trợ và các DN nhỏ và vừa của Việt Nam, đồng thời mở rộng quy mô giao dịch, giúp kinh tế Việt Nam phát triển thêm một bậc.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018: Để doanh nghiệp FDI “cắm rễ” vào nền kinh tế ảnh 4
Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ FTA đang tăng nhanh

Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết tháng 3/2018. Hiện hồ sơ về Hiệp định đang được tích cực chuẩn bị để trình Quốc hội thông qua, kỳ vọng là tháng 10/2018. Còn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã kết thúc đàm phán vào năm 2015. Lẽ ra hiệp định này phải hoàn tất đầu năm 2017, tuy nhiên có một số thay đổi như tách thành 2 hiệp định, phức tạp hơn nên thời gian phê chuẩn kéo dài hơn dự kiến. Ngày 25/6 vừa qua, hai bên đã chính thức hoàn tất quá trình rà soát pháp lý.

Trước đây, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA là thấp. Tuy nhiên, kể từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ tận dụng FTA đang tăng nhanh. Đây là kết quả nỗ lực của Chính phủ nhưng trên tất cả là nỗ lực của chính DN.

Đối với đề xuất tham gia thị phần phân phối tại Việt Nam của Nhóm công tác đầu tư và thương mại VBF, nhà đầu tư nước ngoài mong muốn có sự tự do tuyệt đối, thâm nhập sâu hơn vào thị trường phân phối Việt Nam, nhưng Việt Nam có nhu cầu bảo vệ các DN bán lẻ nhỏ lẻ trong nước. Nhu cầu này là chính đáng và được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thừa nhận. Do đó, Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không trái các cam kết WTO của Việt Nam, kể cả trong các vấn đề kiểm tra kinh tế, nên sẽ không trông đợi có nhiều thay đổi ở nghị định này. Tuy nhiên, Bộ Công Thương ghi nhận phản ánh của Nhóm và sẽ yêu cầu các vụ, cục rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho DN.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018: Để doanh nghiệp FDI “cắm rễ” vào nền kinh tế ảnh 5
Tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi

Ông Koji Ito - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI)

Để Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn nữa đối với nhà đầu tư nước ngoài, trước tiên, JCCI đề xuất thí điểm Dự án Đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính trong xử lý các thủ tục liên quan đến hải quan.

Cụ thể, Dự án sẽ lựa chọn Tổng cục Hải quan là đơn vị thí điểm, phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp các nước thực hiện các hoạt động đẩy nhanh tiến trình minh bạch hóa và tiến độ xử lý thủ tục này. Thứ hai, chúng tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần có biện pháp xử lý căn bản các vấn đề của nền kinh tế, trong đó có việc tăng cường cải cách cơ cấu ở cả hai chiều thu và chi ngân sách, rà soát lại hiệu quả sử dụng nợ công hiện nay. Tất cả những việc làm này nhằm giúp Việt Nam khai thác tốt hơn những nguồn lực cần thiết để xây dựng hạ tầng cơ sở, từ đó góp phần thắt chặt mối liên kết giữa DN trong nước và DN FDI.

Chuyên đề