Đề xuất bãi bỏ 11 ngành nghề kinh doanh có điều kiện

(BĐT) - Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội tại phiên thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) chiều nay (26/5), Dự án Luật đề xuất bãi bỏ 11 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. 
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh (ảnh: QH)
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh (ảnh: QH)

Điển hình như: Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; Sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG); Nhượng quyền thương mại; Kinh doanh dịch vụ logistics…

Đồng thời, đề xuất sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 7 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.

Việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại Khoản 1 Điều 7. Việc bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được xem xét trên 4 tiêu chí. Một là các ngành, nghề không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Hai là các ngành, nghề đã được quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Ba là các ngành, nghề mà chất lượng đầu ra của ngành, nghề đó do thị trường, khách hàng lựa chọn, sàng lọc và quyết định, không cần thiết quản lý bằng điều kiện đầu tư kinh doanh. Bốn là các ngành, nghề cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có thể kiểm soát thông qua đấu thầu, đặt hàng của Nhà nước.

Tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với kinh doanh nước sạch, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Phụ lục 4 Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã bổ sung kinh doanh nước sạch vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Lý do là nước sạch là hàng hóa đặc biệt, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Việc quản lý ngành, nghề này bằng điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm bảo đảm cung cấp nước sạch an toàn, liên tục cho cộng đồng dân cư. Các điều kiện bao gồm về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và các điều kiện để bảo đảm quá trình khai thác, vận hành và cung cấp nước, giải quyết sự cố xảy ra trong quá trình cung cấp nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị giữ lại ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đối với kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng, vì quá trình hỏa táng không chỉ liên quan đến quy trình, quy chuẩn mà còn liên quan đến văn hóa, đạo đức xã hội, đến môi trường.

Liên quan đến ý kiến đề nghị xem xét bổ sung các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: sản xuất kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, thiết bị liên quan và kinh doanh dịch vụ sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện siêu nhẹ… Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý với đề nghị này.

Theo cơ quan này, việc đề xuất bổ sung một số ngành, nghề nêu trên chưa làm rõ được việc đáp ứng các điều kiện với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 7 và chưa có đánh giá tác động. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin chưa bổ sung đối với các ngành, nghề này vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4.

Ngay sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu trên, các đại biểu bắt đầu phiên thảo luận. 

Chuyên đề