Đề xuất 4 nhóm giải pháp thực hiện CMCN 4.0

(BĐT) - Dự thảo Đề cương nghiên cứu Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hoàn thiện.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa rất quan trọng. Ảnh: Tường Lâm
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa rất quan trọng. Ảnh: Tường Lâm

Đáng chú ý, tại Dự thảo, Bộ đã đề xuất 4 nhóm giải pháp chiến lược để Việt Nam nhanh chóng “bắt kịp, đi cùng” với thế giới trong các công nghệ phổ biến của CMCN 4.0, đồng thời phấn đấu “vượt lên” trong một số lĩnh vực ưu tiên.

Nhanh chóng vươn lên

Trong những lần phát biểu gần đây tại nhiều diễn đàn, hội nghị kinh tế lớn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng luôn khẳng định, cơ hội của Việt Nam với CMCN 4.0 là rất rõ ràng. Theo Bộ trưởng, trong cuộc cách mạng này, tư liệu sản xuất chính sẽ chuyển từ chủ yếu là vật chất sang phi vật chất, trong đó, hệ thống mô phỏng tích hợp các loại công nghệ, môi trường số, kết nối vạn vật và không gian mạng sẽ trở thành công cụ sản xuất chủ yếu. Quy trình sản xuất nhanh hơn, thông minh hơn, có thể được rút ngắn gấp nhiều lần so với trước đây. “Và đây chính là cơ hội để Việt Nam có thể nhanh chóng bắt kịp, đi cùng và tiến tới vượt lên hàng đầu ở một số lĩnh vực với các công nghệ đặc trưng của thời đại 4.0”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Cho rằng CMCN 4.0 là cơ hội lớn với đất nước, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ quyết tâm xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể để hiện thực hóa cuộc cách mạng này với việc giao cho Bộ KH&ĐT xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 ngay trong tháng 4/2018.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT từng nhấn mạnh, CMCN 4.0 rất mới nên nhiều người lúng túng trong việc xác định sẽ làm gì, làm với ai và làm như thế nào. Do vậy, quan trọng nhất là phải sớm xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, bởi Chiến lược không chỉ liên quan đến doanh nghiệp mà còn là cuộc cạnh tranh của quốc gia này với quốc gia khác, nếu bị động sẽ thụt lùi.

Với ý nghĩa quan trọng đó, TS. Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thành viên Nhóm nghiên cứu Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 cho biết, Dự thảo Đề cương Chiến lược tái khẳng định cơ hội đối với Việt Nam. Đó là, CMCN 4.0 là cơ hội lớn, nếu không nắm được, kinh tế sẽ tiếp tục bị tụt hậu; tranh thủ cuộc CMCN 4.0 là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng; CMCN 4.0 là cơ hội để Việt Nam vươn lên trở thành nước công nghiệp hiện đại trong thời gian sớm nhất. Dự thảo cũng xác định, việc thực hiện Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 là giải pháp chủ đạo cho việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. 

4 nhóm giải pháp chiến lược

Để thực hiện mục tiêu này, Dự thảo Đề cương đề xuất 4 nhóm giải pháp chiến lược để Việt Nam nhanh chóng bắt kịp và vượt lên trong CMCN 4.0. Đầu tiên là xây dựng các nền tảng cho CMCN 4.0 với các giải pháp như xây dựng nền tảng thể chế cho CMCN 4.0; xây dựng hạ tầng cho CMCN 4.0; xây dựng dữ liệu; tạo nguồn nhân lực chất lượng cho cuộc cách mạng này.

Giải pháp chiến lược thứ hai là chuyển đổi quản trị nhà nước để thực hiện CMCN 4.0 với việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số; đào tạo nhân lực quản lý nhà nước trong CMCN 4.0.

Ba là, tái cơ cấu kinh tế bằng các công nghệ của CMCN 4.0 thông qua thúc đẩy chuyển đổi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tập trung thúc đẩy chuyển đổi một số ngành kinh tế ưu tiên.

Bốn là, phát triển hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo tiên tiến, hiệu quả để vượt lên trong một số lĩnh vực, công nghệ với việc xây dựng một số trung tâm đổi mới sáng tạo ở trình độ tiên tiến thế giới; xây dựng mạng lưới các chuyên gia công nghệ hàng đầu người Việt và thế giới, kết nối họ với doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu và cộng đồng công nghệ trong nước để hỗ trợ đổi mới, sáng tạo trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp 4.0...

Trong số các giải pháp nêu trên, nhiều chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, trong cuộc CMCN 4.0, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa rất quan trọng, bởi thực tế, chúng ta có lực lượng lao động đông đảo, song trình độ, kỹ năng của đội ngũ lao động đáp ứng cuộc CMCN 4.0 còn rất hạn chế. Để chuẩn bị nhân lực cho CMCN 4.0, cần điều chỉnh chương trình đào tạo phổ thông và đại học theo hướng nâng cao kỹ năng tiếng Anh và máy tính; đào tạo kỹ năng đa ngành; mở rộng và đổi mới các dịch vụ đào tạo chuyển đổi công việc cho lao động phổ thông theo hướng CMCN 4.0…

Chuyên đề