Để Việt Nam là đất nước đáng sống

(BĐT) - Nhiều người nước ngoài cảm thấy thú vị khi sống và làm việc tại Việt Nam dù họ vẫn gặp một số phiền toái và khó xử trong một số tình huống hàng ngày. Với người Việt Nam ở nước ngoài, đó là một lựa chọn phù hợp với mục đích công việc và hoàn cảnh sống nhưng dù ở đâu, người Việt Nam vẫn luôn hướng về đất nước và mong mỏi đóng góp cho quê hương.

Nhiều người nước ngoài cảm thấy thú vị khi sống và làm việc tại Việt Nam. Ảnh: Tuyết Mai

Vừa thích vừa sợ

Việt Nam đã lọt vào nhóm những quốc gia đáng sống theo xếp hạng của Ngân hàng HSBC công bố năm 2019. Điều này cũng không quá ngạc nhiên, song không hẳn đáng lạc quan. Nhiều người nước ngoài làm việc tại Việt Nam chia sẻ cảm nhận là họ thích nụ cười lạc quan, sự thân thiện, hiếu khách của người Việt dù đôi lúc cũng bị bỡ ngỡ, bối rối với một số khác biệt về văn hóa như cách hỏi han quá thân mật trong những lần gặp gỡ đầu tiên. Họ cũng thích những món ăn ngon của Việt Nam nhưng lại lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Họ có thể thử các món ăn đường phố, nhưng họ cũng luôn coi đó là lúc “đánh liều” xem sao.

Trong khi đó, điều đáng ngại và lo lắng nhất với nhiều người nước ngoài tại Việt Nam là tình trạng giao thông hỗn độn ở Hà Nội và TP.HCM. Đối với những người trung niên và lớn tuổi, họ rất sợ hãi. Đối với những người trẻ tuổi hơn, họ vừa thích thú vừa lo lắng, và họ thường nghe theo tư vấn của đồng nghiệp người Việt là “hãy cứ bước về phía trước, đừng dừng lại, đừng đi lùi! Mọi người sẽ tránh bạn”. Tuy nhiên, cũng đã có những người nước ngoài gặp tai nạn vì làm theo hướng dẫn đó.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM hiện đang là đề tài nóng trong đội ngũ người nước ngoài làm việc ở hai thành phố này, nhất là những người có con nhỏ. Có những tổ chức đã đặt riêng khẩu trang chống bụi mịn cho nhân viên quốc tế, bởi họ và con cái họ khó mà quen được, đặc biệt là những người mới qua Việt Nam làm việc.

Điều khiến nhiều người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hết sức ngạc nhiên, đó là khi họ tất tưởi đi làm vào buổi sáng, họ thấy rất nhiều người đàn ông Việt Nam ngồi uống rượu khi  ăn sáng, hoặc tụ tập ở các quán cà phê, trong khi phụ nữ bận rộn đưa con đến lớp, đến trường. Khi đi ra khỏi các thành phố lớn, họ ngạc nhiên về tửu lượng của người Việt, nhất là mức độ tiêu thụ rượu vodka, rượu gạo mạnh. Họ sợ nhất là bị ép, bị chuốc rượu, bia. 

Lợi thế từ con người

Nhiều quan điểm từ nhà đầu tư và tư vấn nước ngoài cho rằng, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng là chính trị ổn định, cảnh quan đẹp.

Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) trong Chỉ số Cạnh tranh toàn cầu (GCI) năm 2019, Việt Nam đứng thứ 67 trên 141 quốc gia được xếp hạng, tăng 10 bậc so với GCI 2018. Đây là vị trí trung bình cao trên thế giới. Tuy nhiên, cần nhìn cụ thể hơn vào các chỉ tiêu đánh giá của GCI để có góc nhìn sâu hơn.

Trong số 13 chỉ số thành phần, Việt Nam đạt thứ hạng khá cao về quy mô thị trường (vị trí 26, với số điểm 72 trên 100 điểm). Tiếp đến là ứng dụng công nghệ thông tin (vị trí 41, với số điểm 69 trên 100 điểm). Song, ở một số khía cạnh, Việt Nam chỉ ở mức trung bình hoặc trung bình cao: đứng thứ 89 về thể chế thị trường, thứ 83 về thị trường lao động, thứ 89 về tính năng động trong hoạt động kinh doanh, thứ 76 về năng lực đổi mới, sáng tạo, và đặc biệt là thứ 93 về kỹ năng lao động.

Khi xem xét lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, một trong những vấn đề cần lưu tâm ngoài ổn định chính trị, cảnh quan đẹp, là môi trường kinh doanh thuận lợi, dễ đoán định, và trong thời buổi cách mạng công nghiệp 4.0, cần có lực lượng lao động đủ khả năng đáp ứng.

Trong thu hút đầu tư nước ngoài, ngoài lợi thế giá rẻ, lao động Việt Nam cũng được xem là chịu khó, chịu khổ tốt, dễ chấp nhận và thích nghi với điều kiện làm việc nhiều áp lực. Vì kỹ năng lao động chưa cao, phần lớn các dự án đầu tư vào Việt Nam tập trung vào các ngành sử dụng nhiều lao động không đòi hỏi có tay nghề cao (chưa đề cập tới khả năng nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ). Các ngành này ít mang lại giá trị thặng dư như chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, góp phần nâng cao tay nghề, bảo đảm phát triển bền vững lực lượng lao động của Việt Nam.

Lợi thế vốn có trong thị trường lao động của Việt Nam chính là con người, với nhiều ưu điểm đã nói tới ở trên. Cách tốt nhất để phát huy lợi thế cạnh tranh này là thông qua giáo dục, đào tạo, dạy nghề. Báo cáo Phát triển con người năm 2019 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam cũng nằm trong nhóm trung bình, ở vị trí thứ 118 trên 189 quốc gia được xếp hạng. Chỉ số HDI đo lường ba khía cạnh phát triển con người, gồm: sống khỏe, có tri thức và đủ sống.

Tôi cho rằng, Việt Nam còn nhiều dư địa để thay đổi và bắt kịp HDI của các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Nếu muốn thu hút những nguồn vốn đầu tư có chất lượng vào những ngành nghề có trình độ khoa học, kỹ thuật, hàm lượng tri thức cao hơn, chúng ta cần đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề để hấp dẫn giới đầu tư.      

Người Việt ở đâu cũng hướng về quê hương

Đất nước chúng ta đáng sống trong mắt người nước ngoài như vậy song tại sao nhiều người Việt Nam vẫn tìm đến những nước khác để sinh sống và làm việc? Câu trả lời cần xem xét từ nhiều góc độ khác nhau bởi sự lựa chọn nơi ở và làm việc được dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm cả lợi thế về công việc, gia đình và cá nhân.

Nhiều người tìm thấy sự công bằng trong tuyển dụng lao động, họ có thể có được tiền lương đủ sống, theo đúng nghĩa vừa tự nuôi sống bản thân vừa có khả năng trang trải cho nuôi dạy con cái, điều kiện được bồi dưỡng tri thức thường xuyên tại nơi làm việc. Ngoài ra, nhiều người cũng nhận thấy quan hệ giữa bên sử dụng lao động và người lao động bình đẳng hơn, phúc lợi xã hội đảm bảo cho tương lai của người lao động.

Điều quan trọng hơn cả là người Việt ở đâu cũng là người Việt, và đóng góp của người Việt cho thế giới cũng là đóng góp cho Việt Nam. Chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan rằng lượng kiều hối cá nhân người Việt khắp nơi gửi về Việt Nam ngày càng lớn, và đạt tới gần 16 tỷ USD riêng trong năm 2018, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới. Rất nhiều nhân tài người Việt đang đóng góp từ xa trong nhiều lĩnh vực. Vậy nên, chúng ta cần xóa nhòa “ranh giới” giữa người Việt trong nước và người Việt ở nước ngoài. Khi được tận dụng hiệu quả, nguồn tài nguyên con người sẽ tạo ra lực đẩy mạnh mẽ đưa con thuyền Việt Nam đến mục tiêu thịnh vượng.

Chuyên đề