Đẩy mạnh chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vào giai đoạn 2021 - 2025

(BĐT) - Trong phiên chất vấn diễn tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm tới các giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ được triển khai vào giai đoạn 2021 – 2025. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kỳ vọng, Luật PPP sẽ tiếp thêm làn sóng doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp.
Đẩy mạnh chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vào giai đoạn 2021 - 2025

Ngay sau phần báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại phiên chất vấn sáng 6/11, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi) đã yêu cầu vị tư lệnh ngành đánh giá tình hình và giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Đại biểu Trang cho biết, năm 2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP. Trong năm 2020 có nêu  giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Như vậy, trong tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng trong tổ chức sản xuất, đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất, giá trị nông sản và phát triển thị trường” – đại biểu đoàn Quảng Ngãi nêu.

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị định 57 nhằm mục đích khuyến khích nhiều hơn, thuận lợi hơn để các doanh nghiệp tập trung đầu tư khu vực nông nghiệp, bởi doanh nghiệp cùng với hợp tác xã được coi là hạt nhân trong sự liên kết để tạo thành sản xuất lớn của.

Sau khi Nghị định 57 được ban hành, chỉ trong vòng 3 năm, số DN đầu tư trực tiếp vào khu vực nông nghiệp tăng 3 lần, từ hơn 3.000 DN lên 11.800 DN. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, hầu hết các tập đoàn lớn đã hướng đến khu vực nông nghiệp (như TH, Vinamilk, Vingroup, FLC..) tạo nên một chuỗi liên kết ứng dụng khoa học, công nghệ để tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp hàng hóa. Tuy nhiên, chúng tôi phải thừa nhận chưa đáp ứng được yêu cầu bởi số DN trong khu vực nông nghiệp (trực tiếp và gián tiếp) chỉ có 8% trong tổng số 750.000 DN của Việt Nam.

Chưa thỏa mãn với câu trả lời này của Bộ trưởng, đại biểu Phạm Thị Thu Trang tiếp tục chất vấn, giải pháp căn cơ nào để cho các doanh nghiệp đủ mạnh sẽ mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phải có những tham mưu, chính sách về vấn đề này trong thời gian tới. Hiện, các DN đang rất thiếu những điều kiện, đặc biệt là khung khổ pháp lý tốt, hiệu quả cho hoạt động đầu tư. Do đó sắp tới, Quốc hội sẽ được Chính phủ báo cáo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công – tư cũng sẽ là một hướng đi cho làn sóng đầu tư của các DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp vốn rất khó khăn nhưng còn dư địa để phát triển.

Giải trình thêm về các chính sách thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung và công nghệ cao nói riêng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các chính sách về thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này đến nay đã tương đối đầy đủ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện các bộ, ngành đang triển khai rất tích cực để xây dựng, triển khai các chính sách cụ thể và vừa qua cũng đã ban hành một số cơ chế, chính sách. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững và cũng đang triển khai tiếp tục các chính sách của Nghị định số 57.

Bộ KH&ĐT sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ rà soát quá trình triển khai giải pháp đã quy định trong Nghị định số 57 và Nghị quyết số 53. Ngoài ra, Bộ sẽ bố trí xây dựng để tham mưu, bố trí các nguồn lực đầu tư cho giai đoạn tới.

Chuyên đề