Đầu tư tư nhân thêm sức sống

(BĐT) - Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 có thể đạt 7,02%. Mức tăng trưởng có thể cao hơn trong năm 2020 cũng như những năm tiếp theo. Một trong những động lực đóng góp vào tăng trưởng phải kể đến là khu vực tư nhân đang thêm sức sống. Trong 10 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh kinh tế còn không ít khó khăn, thách thức nhưng khu vực tư nhân vẫn hứng khởi kinh doanh.
Trong 10 tháng năm 2019, cả nước có 114,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn 1.434,4 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Thạch Lựu
Trong 10 tháng năm 2019, cả nước có 114,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn 1.434,4 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Thạch Lựu

Hứng khởi hơn trong kinh doanh

Tại Hội thảo Động lực cho kinh tế Việt Nam: “Góc nhìn và triển vọng” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức vào ngày 30/10, tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc CIEM nhìn nhận, tăng trưởng kinh tế 10 tháng năm nay ở mức tương đối cao, cao hơn so với cùng kỳ các năm trước...

Đóng góp vào động lực tăng trưởng, ông Dương đánh giá, khu vực tư nhân đã thêm sức sống, sáng tạo, linh hoạt và thích nghi trong bối cảnh mới.

Cũng theo ông Dương, trong 10 tháng năm 2019, đầu tư của khu vực tư nhân tăng nhanh nhất, ở mức hai con số, là bệ đỡ cho hoạt động kinh tế khi đầu tư nhà nước giải ngân vốn chậm, giải ngân FDI chưa như kỳ vọng…  Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tham gia thành công vào những dự án hạ tầng lớn, tiền đề để tham gia vào các dự án siêu lớn trong tương lai. Khối tư nhân cũng tích cực khai thác các thị trường xuất khẩu trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ. 

Số liệu về tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy mức độ hứng khởi kinh doanh của DNTN đang tăng. Theo đó, trong 10 tháng năm 2019, cả nước có 114,4 nghìn DN đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn 1.434,4 nghìn tỷ đồng. Nếu tính cả 1.893,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 33,1 nghìn DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký mới trong 10 tháng năm nay là 3.327,7 nghìn tỷ đồng.

Tán thành góc nhìn này, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng: “Đầu tư tư nhân trong nước đang là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay và thời  gian tới”. Trong 10 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn đầu tư công bằng 69,2% kế hoạch (trong khi 10 tháng đầu năm 2018 giải ngân đạt 70,3%); thu hút FDI tăng 26% về số dự án, nhưng giảm 14,6% về số vốn đăng ký mới… 

Vẫn còn nhiều thách thức

Dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2020, CIEM cho rằng, với những tín hiệu tốt từ tăng trưởng kinh tế 10 tháng đầu năm, GDP năm nay có thể tăng 7,0%; lạm phát bình quân 2,78%; tăng trưởng xuất khẩu ở mức 8,13%. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, tăng trưởng năm 2020 có thể ở mức 6,72%; lạm phát bình quân 3,17%; tăng trưởng xuất khẩu 7,64%. Đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục giữ vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến tại Hội thảo, để khu vực tư nhân thực sự trở thành động lực tăng trưởng, vẫn còn nhiều thách thức, rào cản. Theo ông Cung, tại thời điểm này, tốc độ cải cách và không khí cải cách môi trường kinh doanh đang trùng xuống; cải cách DN nhà nước chậm trễ; điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn nhiều… Đây chính là rào cản đang cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay.

Để khu vực tư nhân thực sự là động lực thúc đẩy tăng trưởng, một số chuyên gia khuyến nghị, trong thời gian tới cần xem xét, bãi bỏ các rào cản, thủ tục hành chính bất hợp lý; hợp lý hóa các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường; tạo thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ khu vực tư nhân xây dựng năng lực sản xuất kinh doanh mới cho nền kinh tế.

Muốn làm được điều này, chuyên gia kinh tế Đặng Đức Đạm cho rằng, các văn bản chính sách liên quan đến đầu tư kinh doanh được ban hành phải đảm bảo thống nhất, tránh chồng chéo, gây khó khăn cho DN. Việc cải cách môi trường kinh doanh không chỉ đơn giản là cắt giảm thủ tục hành chính mà còn phải cải cách toàn bộ hệ thống pháp luật về kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN.

Trong khi đó, ông Cung đề xuất thành lập Tổ công tác liên ngành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng để rà soát, tập hợp, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ hết các rào cản còn bất hợp lý, sửa đổi các thủ tục hành chính chồng chéo, trùng lặp, không rõ ràng…

Chuyên đề