Đất đá sạt lở vùi lấp nhà máy thủy điện ở Yên Bái

Mưa lũ kéo theo cả trăm nghìn khối đất đá đổ xuống san phẳng khu vực nhà máy thủy điện Văn Chấn (Yên Bái).
Công nhân đi bộ từ hiện trường vụ sạt lở đá ra trung tâm huyện.
Công nhân đi bộ từ hiện trường vụ sạt lở đá ra trung tâm huyện.

Ngày 23/7, thời tiết ở tỉnh Yên Bái đã tạnh ráo sau nhiều ngày liên tục mưa lũ. Các công nhân của Nhà máy thủy điện Văn Chấn (huyện Văn Chấn) đi bộ từ khu vực lánh nạn, gần vị trị nhà máy này bị vùi lấp dưới đống đất đá ra ngoài trung tâm huyện để gặp người thân.

Nhà chức trách địa phương cho hay, lúc 3h ngày 19/7, dòng nước cuồn cuộn từ thượng nguồn đã đổ xuống khu vực thủy điện Văn Chấn. Đây là nhà máy có công suất 57 mW, nằm giữa hai xã Suối Quyền và An Lương.

Đến 4h, đất đá từ các mỏm núi theo dòng nước đổ về lòng hồ thủy điện chất đống khiến cho các guồng máy không thể vận hành; khu vực phòng điều hành của nhà máy cũng bị đất đá vùi lấp.

“Đá lăn từ trên núi ầm ầm như tiếng bom trút xuống, tôi ở trong phòng điều hành bước xuống đất thì nước đã ngập ngang bụng”, ông Doãn Văn Hùng, Giám đốc nhà máy thủy điện Văn Chấn kể lại.

Thời điểm nước lũ về, nhà máy thủy điện có 18 kỹ sư, công nhân vận hành. Nhận thấy lượng nước đổ về lớn, khoảng 1.500 m3/s cùng với việc đất đá sạt lở có thể phá hủy toàn bộ công trình. Ông Hùng chỉ huy 18 người leo ngược lên đỉnh đồi để bảo toàn tính mạng.

“Lúc đó trời mưa rất lớn, chúng tôi phải trèo ngược lên đỉnh đồi mới có cơ hội sống sót. Trèo được khoảng 2 km thì may mắn gặp nhà dân”, một công nhân cho hay.

Nhà chức trách ước tính khoảng 200.000 m3 đất đá từ các sườn đồi đã đổ xuống lấp đầy lòng hồ thủy điện Văn Chấn. "Hệ thống thiết bị của nhà máy đã hư hỏng hoàn toàn, riêng việc khắc phục đường từ trung tâm huyện vào nhà máy dự kiến mất khoảng một tháng; để các tổ máy vận hành trở lại phải cần ít nhất 3 tháng”, lãnh đạo nhà máy nói.

Tỉnh Yên Bái huy động thiết bị bay không người lái khảo sát các cung đường sạt lở.

Trận lũ lớn trong những ngày qua cũng đã phá hủy nhiều tuyến đường vào các xã Nậm Mười, Suối Quyền, An Lương... Sau lũ, Chủ tịch xã Nậm Mười phải mất hơn 5 giờ leo núi để đi qua đoạn đường 5 km ra báo cáo tình hình với lãnh đạo huyện.

Tỉnh Yên Bái huy động thiết bị bay không người lái tiến hành khảo sát các cung đường sạt lở không thể tiếp cận; điều động hàng nghìn nhân lực và máy móc cơ giới tham gia thông đường. Trước mắt, lực lượng chức năng đã tính đến phương án mở các cung đường mới xuyên rừng để mang hàng hóa, thực phẩm hỗ trợ người dân.

“Trận mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề, có những xã hàng trăm năm nay chưa bao giờ dính mưa lũ thì năm nay cũng bị ảnh hưởng”, ông Đỗ Đức Duy (Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái) thông tin.

Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Văn Chấn bị hư hại hoàn toàn. 

Theo lãnh đạo Yên Bái, với tình hình giao thông bị chia cắt thì việc thông đường "không thể tính bằng ngày, bằng tuần nữa mà phải tính bằng tháng". "Tôi đã yêu cầu lực lượng quân đội tìm phương án vận chuyển lương khô vào tận vị trí của người dân bị cô lập”, ông Duy nói thêm.

Từ đêm ngày 19 đến ngày 21/7, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có mưa to đến rất to trên diện rộng, gây ngập úng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét khiến 9 huyện, thị xã, thành phố của địa phương này bị ảnh hưởng, nhất là các huyện Mù Cang Chải, Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ.

Thống kê đến 19h ngày 22/7, mưa lũ ở Yên Bái đã khiến 11 người chết, 6 người mất tích, 18 người bị thương; thiệt hại về kinh tế lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Chuyên đề