Đạo đức nghề báo trong thông tin kinh tế

(BĐT) - Có thể nhận thấy rằng, kinh tế thị trường vừa là động lực thúc đẩy báo chí phát triển, vừa là thách thức lớn đối với báo chí. Trong lĩnh vực báo in, nhất là báo chí khối kinh tế, có những khó khăn, những sức ép không dễ vượt qua. Điều này càng đòi hỏi trách nhiệm xã hội của báo chí trong việc cung cấp thông tin kinh tế một cách chính xác và không vụ lợi.
Đạo đức nghề báo trong thông tin kinh tế

Thông tin kinh tế luôn có vị trí quan trọng

Ngày nay, các chuyên gia truyền thông trên thế giới thường hay nói về văn hóa tin tức. Michael Schudson, giáo sư về thông tin và xã hội học của Đại học California (Mỹ) trong The Power of News (Sức mạnh của tin tức truyền thông) cho rằng, những tin tức được đưa một cách chính xác, không bị kiểm duyệt cũng không mang lại sự dân chủ. Nó phụ thuộc vào văn hóa tin tức của các quốc gia. Trong đó, có vai trò hàng đầu của báo chí - truyền thông.

Tại Việt Nam, hơn 800 cơ quan báo chí in với hơn 1.000 loại ấn phẩm; 67 Đài Phát thanh - Truyền hình và hàng trăm báo, tạp chí điện tử,… đang hàng ngày chuyển tải một lượng thông tin khổng lồ đến với hơn 90 triệu người dân trên khắp đất nước. Chưa có một điều tra riêng, nhưng quan sát có thể thấy, thông tin kinh tế luôn chiếm vị trí quan trọng, mật độ cao và một tỉ lệ thông tin lớn trên cả 4 loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình).

Với các cấp độ khác nhau (thông tin, bình luận), báo chí đã đáp ứng các mức độ nhu cầu khác nhau của công chúng về lĩnh vực kinh tế. Thực tế cho thấy, nhu cầu của công chúng báo chí đã được nâng cao từ muốn biết (thông tin) sang cấp độ muốn hiểu (bình luận) các sự kiện, các vấn đề kinh tế. Một số tác phẩm thuộc thể loại bình luận về kinh tế đã đoạt Giải Báo chí quốc gia hằng năm (tuy nhiên chưa nhiều so với các lĩnh vực khác).

Báo chí viết về các vấn đề kinh tế cũng đã tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau: thông tin chủ trương của Đảng, chính sách kinh tế của Nhà nước, cách nhìn của người dân, của doanh nghiệp, giải thích của nhà quản lý, ý kiến của nhà khoa học và đương nhiên là cả quan điểm riêng của nhà báo. Với quan điểm tiếp cận như vậy, đã có những nhà báo được coi là những chuyên gia trong một số chuyên ngành kinh tế. Cách tiếp cận và phương thức phản ánh như vậy cũng đã thể hiện tính dân chủ, công khai, công bằng và cân bằng trong thông tin về kinh tế và thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Tác động lan tỏa đến toàn xã hội

Thông tin là quyền lực. Điều này cũng đã được nói đến trên nhiều diễn đàn chính trị. Thông tin báo chí, trong đó có thông tin kinh tế, là sức mạnh, là lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, nếu biết khai thác, sử dụng. Và đặc biệt, nó chỉ có giá trị khi người tiếp nhận thông tin được tiếp cận với thông tin “sạch”, thông tin chính xác. Thông tin hằng ngày về các vấn đề kinh tế được chuyển tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, có tác động xã hội tích cực đối với dư luận xã hội, đối với các nhà lãnh đạo, quản lý kinh tế. Thông tin về các chính sách và chương trình hành động quốc gia trong các vấn đề phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường là dòng thông tin chủ đạo, chiếm ưu thế trên báo chí.

Thời gian qua, báo chí đã phản ánh kịp thời mức độ và tính chất của những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế bền vững (ba nội dung: tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường), góp phần phân tích, định hướng dư luận xã hội.

Trên các nhật báo lớn và các Đài Truyền hình, Đài Phát thanh, một số báo điện tử lớn, thường tập trung chuyển tải các thông tin thời sự, thông tin chủ đạo về phát triển kinh tế của đất nước, phục vụ đối tượng công chúng rộng rãi. Trên các báo chí chuyên ngành kinh tế là dạng thông tin chuyên sâu, phục vụ chủ yếu cho đối tượng công chúng trong lĩnh vực chuyên ngành của tờ báo và những người quan tâm. Thông tin và bình luận kinh tế trên báo chí – trong nhiều trường hợp – đã được Chính phủ và các địa phương, các bộ ngành, dùng làm căn cứ tham khảo tin cậy để điều chỉnh chính sách quản lý. Đặc biệt, nhiều doanh nhân cho rằng, biết khai thác một cách có chọn lọc, có phân tích, những thông tin này sẽ là lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh tính chuyên sâu của những tờ báo chuyên ngành, chuyên mục kinh tế của các đài phát thanh và truyền hình, vẫn còn hiện tượng những bài báo viết một chiều, hời hợt, thậm chí chạy theo mục tiêu thương mại hóa; chưa đưa ra được các giải pháp khắc phục, mới dừng ở mức độ phát hiện, phanh phui, trình bày thực trạng kinh tế. Ngay trong việc phát hiện các vấn đề kinh tế, cũng thiếu cân bằng thông tin khi đưa lên báo chí, nặng về phê phán tiêu cực, nhẹ biểu dương những nhân tố mới, điển hình mới.

Nhiều bài báo thiếu sự phân tích sâu sắc từ góc độ kinh tế, do đó thiếu tính định hướng đúng đắn về nhận thức kinh tế. Thông tin về bất động sản là một chứng minh. Cách đây hơn 5 năm, báo chí góp phần vẽ lên một bức tranh huy hoàng cho bất động sản, nhất là kinh doanh bất động sản. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ xô vào kinh doanh lĩnh vực này một phần do ảnh hưởng thông tin từ báo chí. Thông tin về lĩnh vực chứng khoán ở Việt Nam cũng là một bài học về thông tin thiếu cân bằng, thiếu định hướng dư luận một cách tỉnh táo.

Báo chí vẫn còn những bài viết có thông tin thiếu kiểm chứng, thiếu phân tích, làm thiệt hại đến lợi ích kinh tế của nhà sản xuất, lợi ích kinh tế của đất nước. Thiếu kiểm chứng thông tin dẫn đến việc nhà báo bị lợi dụng (hoặc tự nguyện) để phát ngôn thông tin có lợi cho một nhóm lợi ích nào đó. Điều này làm sai lệch thông tin, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, thậm chí ảnh hưởng tới cả việc đề ra những quyết sách trong kinh tế.

Đạo đức nghề báo và trách nhiệm xã hội

Văn hóa đưa tin được thể hiện trong trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Trách nhiệm xã hội thể hiện trước hết ở quan điểm mục đích, thái độ đưa tin vì lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia. Đó còn là thực hiện chức năng giám sát xã hội của báo chí, là sự cung cấp thông tin hai chiều. Trong lĩnh vực kinh tế, báo chí tham gia giám sát từ khâu chuẩn bị hoạch định, ban hành các chủ trương chính sách kinh tế, đến việc thực thi. Việc giám sát của báo chí và giám sát của người dân thông qua báo chí là sự cảnh giới xã hội đối với những “nhóm lợi ích” mưu toan hi sinh lợi ích kinh tế của đất nước, của cộng đồng vì lợi ích riêng. Nhất là những quyết sách liên quan đến tài nguyên quốc gia, đến tác động môi trường. Mặt khác phải thực hiện chức năng phản biện xã hội của báo chí, trước hết trên cơ sở phản biện bằng dư luận xã hội, bằng ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế. Đây là kênh thông tin chuyển tải tiếng nói của cộng đồng, tạo dư luận xã hội về những vấn đề kinh tế còn tranh cãi.

Đạo đức nghề báo trong thông tin kinh tế đòi hỏi nhà báo trước hết không bị cám dỗ trước lợi ích kinh tế. Muốn thuyết phục bạn đọc, định hướng được dư luận xã hội về những vấn đề kinh tế, cần có tri thức và động cơ trong sáng, không vụ lợi. Trên thực tế, không hiếm những nhà báo vì lợi ích kinh tế mà cố tình thông tin kinh tế sai sự thật, tạo lợi thế cạnh tranh cho “đối tác” của mình, đồng nghĩa với việc tạo ra bất lợi, tạo ra thiệt hại cho người khác, thậm chí cho cộng đồng. Đồng thời, nhà báo cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong thông tin kinh tế; cần tri thức kinh tế để thông tin và phản biện trong lĩnh vực kinh tế. Không kiểm chứng và không biết cách kiểm chứng nguồn tin có thể làm thiệt hại kinh tế khôn lường cho doanh nghiệp, địa phương, tổ chức, cộng đồng và quốc gia. Mặt khác không để bị lợi dụng làm công cụ tuyên truyền cho những nhóm lợi ích kinh tế.

Chuyên đề