Đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010 - 2017: Bước ngoặt hoạch định chính sách

(BĐT) - Bỏ sót thống kê 76.000 doanh nghiệp (DN) là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến quy mô GDP giai đoạn 2010 - 2017 chưa được tính toán đầy đủ. Thẳng thắn thừa nhận những thiếu sót này, Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa chính thức công bố kết quả đánh giá lại quy mô GDP của toàn nền kinh tế. 
Việc đánh giá lại quy mô GDP khiến tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng đáng kể. Ảnh: Tường Lâm
Việc đánh giá lại quy mô GDP khiến tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng đáng kể. Ảnh: Tường Lâm

Những số liệu này đã được cung cấp cho các bộ, ngành để xây dựng các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025.

Nhìn nhận rõ mức đóng góp của các ngành

Sau khi đánh giá lại, quy mô GDP của nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm giai đoạn 2010 - 2017, tương ứng tăng 935.000 tỷ đồng/năm. 3 khu vực kinh tế (nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ) đều tăng sau khi đánh giá lại.

Cụ thể, với khu vực công nghiệp, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp thuộc TCTK dẫn chứng, việc đánh giá lại quy mô GDP, trong đó có đánh giá lại mức đóng góp của ngành công nghiệp chế biến chế tạo (CBCT), đã giúp phản ánh đúng thực tế tăng trưởng của ngành này trong nền kinh tế Việt Nam thời gian qua. Việc đánh giá lại quy mô GDP khiến tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp CBCT tăng đáng kể. Tính riêng năm 2017, theo số liệu cũ thì công nghiệp CBCT chỉ đóng góp 15,3% vào nền kinh tế, nhưng khi đánh giá lại thì mức đóng góp này là 22,6%.

Theo quy mô GDP được đánh giá lại, GDP bình quân đầu người của ngành công nghiệp CBCT tính theo sức mua tương đương của năm 2010 đạt 1.004 USD. Căn cứ theo tiêu chí của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Việt Nam được coi là một nước công nghiệp mới nổi từ năm 2010; trong khi theo quy mô GDP cũ thì chưa đạt.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK cho biết, sau khi có số liệu đánh giá lại quy mô GDP, TCTK đã đánh giá cụ thể những tác động đối với nền kinh tế, chính sách kinh tế; phân tích thay đổi về mặt cơ cấu, chi tiêu, mô hình tiêu dùng của nền kinh tế. Những kết quả và phân tích này đã được cơ quan thống kê cung cấp cho các bộ, ngành, cơ quan liên quan để đưa ra các chính sách điều hành phù hợp; làm cơ sở xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới. 

Khoảng trống pháp lý trong quản lý hoạt động của doanh nghiệp

Thời gian qua, chủ trương và chính sách của Nhà nước về phát triển khu vực tư nhân, khuyến khích chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang DN khiến khu vực DN phát triển nhanh. Sự phát triển này chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ trong dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến quy mô GDP chưa được tính toán đầy đủ.

TCTK đã nhận thiếu sót trong việc bỏ sót thống kê 76.000 DN, gần 306.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện bỏ sót DN là một khoảng trống pháp lý trong quản lý hoạt động thực sự của DN sau khi đăng ký thành lập.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong quá trình bổ sung thông tin DN từ các nguồn thông tin chính như: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, bảo hiểm xã hội, kho bạc nhà nước và nhiều cơ sở dữ liệu khác, có thực trạng một bộ phận DN, trong đó có cả những DN lớn, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo pháp luật trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nói chung và cơ quan thống kê nói riêng. Trong số những DN và cơ sở sản xuất này, có không ít DN thành lập chỉ trên danh nghĩa, nộp thuế môn bài, không có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, không có đóng góp gì cho nền kinh tế.

Có những trường hợp, cán bộ thống kê đến tận trụ sở đăng ký kinh doanh của DN mà cũng không tìm thấy DN để lấy số liệu thống kê. Chưa tính đến trường hợp DN khai báo không trung thực về các thông tin thống kê. Cơ quan thống kê cảnh báo, đây là thực trạng cần được các cấp, các ngành vào cuộc làm rõ để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn những DN gian lận số liệu báo cáo kết quả kinh doanh, tiềm ẩn những hoạt động bất hợp pháp.

Để khắc phục tình trạng này, TCTK đề xuất một số giải pháp như: Tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về DN để khai thác triệt để hồ sơ hành chính (đăng ký DN, dữ liệu thuế, bảo hiểm xã hội, kho bạc nhà nước và các cơ sở dữ liệu khác). Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm của DN; thanh, kiểm tra, xử phạt hành chính DN không thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin với cơ quan thống kê...

Tham khảo cách thức khai thuế, nộp báo cáo online của ngành thuế, TCTK cũng nghiên cứu và hoàn thiện phương pháp thu thập thông tin thống kê hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tiện ích nhất cho DN. Trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0, ngành thống kê có thể áp dụng phương pháp DN cung cấp thông tin thống kê online và những thông tin này sẽ được cơ quan thống kê cam kết bảo mật tuyệt đối.

Chuyên đề