Đại biểu Quốc hội: Tăng trưởng không nhờ dầu thô và than đá

(BĐT) - Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017 đạt và vượt mục tiêu kế hoạch, cũng như kết quả tăng trưởng kinh tế quý 1/2018 đạt 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua đã cho thấy rõ nét, toàn diện về hiệu lực, hiệu quả trong những chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ khi triển khai nhiệm vụ theo các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội.
Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017. Ảnh: QH
Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017. Ảnh: QH

Ngày 25/5/2018, Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và các tháng đầu năm 2018.

Các đại biểu nhất trí cao với nhận định tổng quát trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 của Chính phủ trình kỳ họp. Đa số ý kiến cho rằng nền kinh tế chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng toàn diện trên các lĩnh vực. Thành tựu của năm 2017 thể hiện Chính phủ đã quyết tâm rất cao, Thủ tướng Chính phủ đã sát sao điều hành chỉ đạo, kiên định trước những nghi ngờ tăng trưởng khó đạt kế hoạch.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân – đoàn Cần Thơ đánh giá cao báo cáo rất đầy đủ, có chiều sâu, có số liệu minh chứng thuyết phục của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, cũng như những giải pháp cho các tháng còn lại của năm 2018.

“Có thể nói bức tranh kinh tế, xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 rất sáng, tạo một niềm tin lớn cho chúng tôi và cử tri về sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và tạo đà cho những năm tiếp theo”, đại biểu Xuân nhận định.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, nền kinh tế tăng trưởng đã không phụ thuộc  vào dầu thô. Đại biểu Nguyễn Quang Dũng dẫn chứng, theo Báo cáo số 198 của Chính phủ thì trong năm 2017, tổng thu ngân sách nhà nước là 1.288.660 tỷ đồng, trong đó thu dầu thô là 49.580 tỷ đồng, nếu tính tỷ lệ là 3,8%, có nghĩa là con số đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước của dầu thô là không lớn. Nếu xét về con số tăng trưởng và giá trị thì tổng thu tăng 76.480 tỷ đồng, trong đó dầu thô tăng 11.280 tỷ đồng, nếu tính tỷ lệ là 14,75%. “Dầu thô tăng và có đóng góp vào phần tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, không phải tăng trưởng kinh tế chủ yếu là từ dầu thô mà nói như báo cáo của Chính phủ là chính xác, tăng chủ yếu từ nguồn thu nội địa”, đại biểu Dũng nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Quang Chiểu, đoàn Nam Định cũng nhận định, nói rằng năm 2017 Chính phủ tăng trưởng kinh tế dựa vào khai khoáng dầu thô là không thỏa đáng. Đại biểu Chiểu dẫn lại số liệu của Chính phủ, năm 2016 trong nước khai thác 15,2 triệu tấn, năm 2017 kế hoạch 13,28 triệu tấn và thực hiện là 13,557 triệu tấn. Như vậy, nếu so với kế hoạch, khai thác tăng 200 nghìn tấn, còn so với năm 2016 khai thác ít hơn 1,643 triệu tấn. Dầu thô 1 triệu tấn tăng 0,25 điểm tăng trưởng, như vậy nếu so với 2016 là chúng ta tăng trưởng âm.

Về than, đại biểu Chiểu cho biết, năm 2016 khai thác 38 triệu 735 nghìn tấn, kế hoạch năm 2017 là 40,2 triệu tấn, thực tế khai thác 38 triệu 237 nghìn tấn. Như vậy, so với kế hoạch, hụt hơn 1,963 triệu tấn. “Nếu chỉ tiêu tăng trưởng có 1 triệu tấn than là 0,014 điểm tăng trưởng thì 2 triệu tấn than này đã giảm bao nhiêu”, đại biểu Chiểu đặt câu hỏi.

“Điểm ấn tượng nhất của tôi trong điều hành của Chính phủ năm 2017 từ trước đến nay là năm đầu tiên tăng trưởng không dựa vào công nghiệp khai khoáng và khai thác tài nguyên”, đại biểu đoàn Nam Định nhấn mạnh.

Chuyên đề