Đặc khu sẽ đem lại nhiều lợi ích

(BĐT) - Một số chuyên gia kinh tế đặt dấu hỏi, liệu lợi ích mà các khu hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) mang lại có tương ứng với chi phí bỏ ra hay không? Song ở chiều ngược lại, rất nhiều nhà đầu tư đánh giá cao và cho rằng, việc xây dựng 3 đặc khu sẽ tạo ra sức hấp dẫn mới thu hút nguồn vốn nước ngoài. 
Thể chế, chính sách vượt trội sẽ thu hút được nguồn lực đầu tư rất lớn từ tư nhân vào các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Ảnh: Lâm Thanh Sơn
Thể chế, chính sách vượt trội sẽ thu hút được nguồn lực đầu tư rất lớn từ tư nhân vào các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Ảnh: Lâm Thanh Sơn

Những tính toán cụ thể cũng cho thấy chi phí bỏ ra cho đặc khu là hoàn toàn xứng đáng và đây sẽ là khoản đầu tư có lợi.

Mạnh dạn xây dựng thể chế đột phá

Sáng 18/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (ĐVHCKTĐB) để trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5 tới. Tinh thần là khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với tư duy thống nhất, mạnh dạn xây dựng một thể chế đột phá, tạo động lực phát triển cho 3 ĐVHCKTĐB, lan tỏa đến các vùng kinh tế và cả nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững. Thể chế, chính sách tại các đặc khu không trái với Hiến pháp, có tính vượt trội, thông thoáng, có lợi thế để cạnh tranh quốc tế.

Trước nhiều ý kiến về ưu đãi đầu tư, tài chính, ngành nghề kinh doanh, mức thuế và thời hạn, Thủ tướng đề nghị không để khoảng trống trong quản lý nhà nước khi Luật có hiệu lực. Thủ tướng yêu cầu tổ chức bộ máy và công tác cán bộ phải có sự chuẩn bị kỹ càng để khi Luật có hiệu lực thì có thể vận hành ngay. Quy định về tổ chức bộ máy theo hướng chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp mạnh về thẩm quyền trong quản lý.

Nhấn mạnh 3 đặc khu này không chỉ của 3 tỉnh mà là của cả nước, Thủ tướng yêu cầu 3 tỉnh cần nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý môi trường. Phải bảo đảm trật tự xã hội, không để “cò đất”, xã hội đen mua bán đất lộng hành trên địa bàn.

Thủ tướng yêu cầu phải dồn nỗ lực vào công tác quy hoạch để có một quy hoạch dài hơi, thực sự có chất lượng; quan tâm vấn đề chọn nhà đầu tư chiến lược vào các đặc khu. 

Nhiều lợi ích từ đặc khu

Về con số 1,57 triệu tỷ đồng dự kiến cần huy động để đầu tư cho 3 đặc khu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, con số hơn 1 triệu tỷ đồng là tổng nhu cầu đầu tư toàn xã hội của cả 3 đặc khu và ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần không nhiều trong số này. Vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chỉ đóng vai trò vốn mồi, khi xây dựng được những thể chế, chính sách vượt trội thì sẽ thu hút được nguồn lực đầu tư rất lớn từ tư nhân vào các đặc khu.

Thực tế tại Vân Đồn cho thấy, dù mới là kỳ vọng vào đặc khu tương lai, nhưng đã có nhà đầu tư tư nhân mạnh dạn rót vốn đầu tư hạ tầng, xây dựng sân bay quốc tế. Khi những kỳ vọng về đặc khu trở thành hiện thực, nhà đầu tư tư nhân càng có niềm tin chắc chắn. Một nhà đầu tư lớn quả quyết rằng, khi đó dòng tiền đầu tư vào các đặc khu sẽ tăng mạnh, thông qua hoạt động đầu tư sẽ nộp ngân sách nhà nước nhiều hơn, tạo tác động lan tỏa lớn.

Dựa trên nhiều phương án, chỉ tiêu đánh giá, Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) tính toán, với Vân Đồn, theo giá hiện hành năm 2030, khi Luật ĐVHCKTĐB được áp dụng, trong giai đoạn 2021 - 2030, GrDP tích lũy đạt 8,81 tỷ USD đến 15,53 tỷ USD so với mức dự tính là 4,98 tỷ USD nếu Vân Đồn phát triển như hiện tại. Mức GrDP bình quân đầu người đạt từ 17.394 USD đến 25.056 USD vào năm 2030. So sánh với phương án tăng trưởng gốc là không thành lập đặc khu kinh tế, GrDP trên đầu người tương ứng sẽ là 11.619 USD năm 2030.

Doanh thu thuần của các doanh nghiệp tại Vân Đồn cũng sẽ tăng mạnh. Trong giai đoạn 2021 - 2030, doanh thu thuần tích lũy đạt 30,27 tỷ USD đến 55,62 tỷ USD so với mức dự tính là 20,51 tỷ USD nếu Vân Đồn phát triển như hiện tại. Mức thu nhập bình quân đầu người đạt 9.697 USD đến 16.532 USD vào năm 2030.

Với Bắc Vân Phong, BCG tính toán theo giá hiện hành năm 2030, khi Luật ĐVHCKTĐB được áp dụng cũng sẽ đem đến nhiều lợi ích. GrDP tích lũy đạt 8,3 tỷ USD đến 15,07 tỷ USD so với mức dự tính cơ sở là 4,15 tỷ USD nếu Bắc Vân Phong phát triển như hiện tại. GrDP bình quân đầu người, doanh thu thuần của doanh nghiệp cũng sẽ tăng gấp 3 đến 5 lần so với mức dự tính nếu Bắc Vân Phong không thành đặc khu mà tiếp tục phát triển như hiện tại.

Tổng thu ngân sách nhà nước sẽ được lợi trong việc thành lập ĐVHCKTĐB, ngay trong giai đoạn 2021 - 2030 đã tăng hàng tỷ USD ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong nếu so với không thành lập đặc khu, sau năm 2030, tốc độ tăng này sẽ càng nhảy vọt.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, mô hình ĐVHCKTĐB có thể là thử nghiệm tốt cho các chính sách đột phá về hành chính, kinh tế, tư pháp để thúc đẩy phát triển, bắt đầu từ các vùng lãnh thổ riêng biệt.

Chuyên đề