Cử tri mong mỏi có chính sách đột phá phát triển doanh nghiệp

Chiều 11/10, trong phiên họp thứ 15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, dự kiến khai mạc vào cuối tháng này.
Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN

Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) cho biết tới nay đã có hơn 2.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Nhìn chung, cử tri và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, hoạt động giám sát của Quốc hội, đánh giá cao việc Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng khá, kiểm soát lạm phát đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút khách quốc tế, đầu tư nước ngoài.

Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành và chính quyền địa phương các cấp thường xuyên quan tâm đến công tác an sinh xã hội, thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, kịp thời hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão, lũ, sạt lở.

Tuy nhiên, Ủy ban Trung ương MTTQVN cho biết nhiều doanh nghiệp và người dân phản ánh còn nhiều giấy phép con, một số quy định chậm đi vào cuộc sống; thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu nhiều mặt hàng còn chậm. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa, giảm các thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch; có chính sách đột phá tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hội nhập quốc tế.

Trước tình hình khí hậu diễn biến bất thường, cử tri đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan quan tâm phối hợp tăng cường dự báo kết hợp với triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng ngừa xâm nhập mặn, có biện pháp hữu hiệu chấm dứt nạn phá rừng, khai thác cát, sỏi trái phép, sử dụng nguồn nước ngầm tràn lan đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái và cuộc sống của nhân dân.

Lo lắng về thuốc giả

Bên cạnh đó, cử tri cũng đặc biệt quan tâm tới việc chăm lo đời sống nhân dân và đề nghị Chính phủ có chỉ đạo sửa đổi và bổ sung phù hợp về các tiêu chí và quy trình về bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều; xử lý nghiêm cơ sở sản xuất hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng; tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại...

Trong lĩnh vực y tế, khám chữa bệnh, cử tri đánh giá cao Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao thái độ phục vụ của cán bộ y tế, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân vẫn thể hiện sự lo lắng và bức xúc trước tình trạng nhập khẩu và bán thuốc chữa bệnh kém chất lượng với số lượng lớn, đặc biệt là vụ án nhập khẩu hàng nghìn hộp thuốc điều trị ung thư của Công ty Cổ phần VN Pharma; dịch sốt xuất huyết bùng phát nhanh, kéo dài trên phạm vi rộng, một số nơi khó kiểm soát dẫn đến quá tải các bệnh viện.

Cử tri đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tăng cường y tế dự phòng, triển khai chặt chẽ các quy định về quản lý, đấu thầu thuốc và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có liên quan đến sai phạm, đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt nhất cho sức khỏe người dân.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả các giải pháp để ngăn chặn, khắc phục tình trạng sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu, các chất cấm trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm, khuyến khích sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe của người dân.

Bên cạnh đó, cử tri cũng mong mỏi ngành giáo dục rà soát các chính sách, quy định về tuyển sinh đại học, khuyến khích học sinh giỏi thi vào các trường sư phạm; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ở địa phương; nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học và dạy nghề để đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động; đề xuất bổ sung quy định về quy chuẩn, quy trình sa thải lao động của các doanh nghiệp; kiên quyết chấn chỉnh ngay tình trạng “lạm thu” trong các nhà trường và triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục tổng thể trong thời gian tới.

Cử tri cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan nhằm ngăn chặn những kẽ hở trong công tác tổ chức cán bộ; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; phát huy hơn nữa vai trò của báo chí và nhân dân trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Ngoài ra, nhiều vấn đề về quản lý đô thị, giao thông vận tải; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng được cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện cơ chế quản lý hiệu quả.

Giải quyết kiến nghị cử tri đã có chuyển biến khá rõ rệt

Tại phiên họp, UBTVQH cũng nghe và góp ý vào dự thảo Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 (diễn ra vào đầu năm 2017).

Thực hiện giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri đối với Chính phủ, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan đều rất tích cực, có trách nhiệm cao trong việc nghiên cứu, xem xét, giải quyết và trả lời đầy đủ các kiến nghị của cử tri. Nhiều Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, ký văn bản trả lời kiến nghị cử tri.

“Chính do sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp như vậy nên có thể thấy rằng chất lượng việc giải quyết kiến nghị cử tri tại kỳ họp này có một sự chuyển biến khá rõ rệt, những sai sót đáng tiếc như trả lời không đúng với nội dung câu hỏi mà cử tri nêu hay cử tri huyện này hỏi lại trả lời sang huyện khác như đã nêu tại báo cáo trước đã được khắc phục khá triệt để”, bà Hải nói.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh để lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của người dân, Chính phủ cần tiếp tục duy trì và vận hành hiệu quả hệ thống thông tin tiếp thu kiến nghị cử tri và doanh nghiệp tại Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, (từ 1/4 đến nay đã tiếp thu được 804 kiến nghị của doanh nghiệp, đã chuyển 786 kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết). Hoạt động này góp phần hiệu quả vào việc tiếp nhận, xem xét giải quyết và trả lời cử tri một cách nhanh chóng kịp thời có chất lượng, đồng thời tăng cường tính tương tác giữa người dân với Chính phủ.

Chuyên đề