Cụ thể hóa quyền tự do báo chí

(BĐT) - Ngày 5/4/2016, Luật Báo chí (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII. Với nhiều điểm mới, Luật được đánh giá sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng để báo chí phát triển bền vững. 
Thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua cho thấy, nhiều vấn đề đã vượt ra ngoài các quy định của pháp luật về báo chí hiện hành. Ảnh: Tất Tiên
Thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua cho thấy, nhiều vấn đề đã vượt ra ngoài các quy định của pháp luật về báo chí hiện hành. Ảnh: Tất Tiên

Báo Đấu thầu đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hiếu, Thành viên Tổ biên tập Luật Báo chí (sửa đổi), Trưởng phòng Báo chí Trung ương, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông về những điểm mới của Luật Báo chí (sửa đổi) so với Luật Báo chí hiện hành. 

Ông có thể cho biết khái quát về những điểm mới của Luật Báo chí (sửa đổi)?

Thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua cho thấy, nhiều vấn đề đã vượt ra ngoài các quy định của pháp luật hiện hành như: cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình, vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí, vấn đề kinh tế báo chí... Bên cạnh đó, quy định về đối tượng thành lập cơ quan báo chí, quyền và nghĩa vụ của nhà báo, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí, các hành vi bị cấm, cung cấp thông tin cho báo chí, vai trò của cơ quan chủ quản báo chí... chưa điều chỉnh kịp thời những nảy sinh trong thực tiễn hoạt động báo chí, chưa phát huy được hiệu lực và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí đã có nhưng cơ chế đảm bảo quyền này chưa cụ thể. Hơn nữa, các quy phạm về báo chí được quy định trong nhiều văn bản, phân tán, chồng chéo cần được pháp điển hóa đưa vào luật để nâng cao tính pháp lý và thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.

Việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, sửa đổi Luật Báo chí lần này nhằm khắc phục những nội dung trên, đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý hoạt động báo chí trong tình hình mới.

Luật Báo chí năm 2016 gồm 6 chương với 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành.

Luật Báo chí năm 2016 đã bỏ nội dung quản lý nhà nước về báo chí, thay đổi kết cấu Chương III (Nhiệm vụ quyền hạn của báo chí), Chương IV (Tổ chức báo chí và nhà báo) của Luật Báo chí năm 1989 thành Chương III (Tổ chức báo chí) và Chương IV (Hoạt động báo chí) trong Luật Báo chí (sửa đổi).

Cụ thể hóa quyền tự do báo chí ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Hiếu
Để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Luật Báo chí (sửa đổi) quy định như thế nào về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân?

Luật Báo chí năm 2016 quy định công dân được tham gia vào các công đoạn của hoạt động báo chí, đảm bảo quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí, thể hiện ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, Luật đã dành Chương II với 4 điều quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Trong đó quy định công dân có quyền: Sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí.

Cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân phù hợp với tôn chỉ, mục đích và không vi phạm nội dung cấm quy định tại Điều 9; trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu.

Thứ hai, về đối tượng thành lập cơ quan báo chí: Ngoài các đối tượng thành lập cơ quan báo chí theo Luật Báo chí hiện hành, Luật Báo chí (sửa đổi) đã bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học, như: Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.

Thứ ba, Luật Báo chí năm 2016 đã bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí, trong đó quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết. Cơ quan báo chí chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm mà không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, nhằm cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí. 

Luật Báo chí mới lần này còn bổ sung, luật hoá những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo như thế nào?

Luật Báo chí năm 2016 đã bổ sung quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, trong đó quy định Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi Thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.

Về quyền tác nghiệp của báo chí, trong Luật Báo chí mới có thay đổi gì, thưa ông?

Ngoài những quy định của Luật Báo chí hiện hành, Luật Báo chí năm 2016 đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.

Để bảo vệ nguồn tin báo chí và quyền tác nghiệp của nhà báo, so với Luật Báo chí hiện hành, Luật Báo chí năm 2016 đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ.

Luật Báo chí (sửa đổi) tạo điều kiện như thế nào để báo chí phát triển?

Luật Báo chí năm 2016 tiếp tục khẳng định chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí: Đặt hàng báo chí và hỗ trợ cước vận chuyển báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại, phục vụ thiếu niên, nhi đồng, người khiếm thính, khiếm thị, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo và các nhiệm vụ trọng yếu khác.

Mặt khác, để đảm bảo cho các cơ quan báo chí phát triển, Luật Báo chí năm 2016 quy định, cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu; tạp chí khoa học hoạt động phù hợp với loại hình của cơ quan chủ quản.

Luật Báo chí năm 2016 quy định mở hơn Luật Báo chí hiện hành về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí với quy định: Nguồn thu của cơ quan báo chí gồm thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí.

Chuyên đề