Coi trọng tăng năng suất và ổn định kinh tế vĩ mô

(BĐT) - Dù trong Phiên họp thường kỳ tháng 9/2016, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao trong việc giữ tốc độ tăng trưởng mục tiêu ở mức 6,3 - 6,5%...
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Nhưng Nhóm nghiên cứu của VEPR và một số chuyên gia kinh tế vẫn tiếp tục khẳng định giữ nguyên mức dự báo từ đầu năm tới nay là tăng trưởng kinh tế đạt 6% hoặc thấp hơn trong năm 2016. 

Tăng trưởng quý IV khó đạt mục tiêu 8,3%

Tại buổi tọa đàm Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2016, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) - VEPR nhận định, bước sang quý III/2016, kinh tế đã có những cải thiện đáng kể so với nửa đầu năm. Dù thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015, nhưng GDP quý III vẫn tăng 6,4%, giúp tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 5,93%. Chỉ số hoạt động kinh tế (VEPI) quý III tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP, càng củng cố cho tín hiệu cải thiện tăng trưởng trong quý III, đạt 6,9%, cao hơn khoảng 1 điểm % so với quý trước đó.

Dưới góc độ là chuyên gia phân tích kinh tế, ông Vũ Đình Ánh đánh giá, đây là một thành tích, kết quả khá ấn tượng của Chính phủ khi quý I, quý II tăng trưởng đạt thấp.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng trên 6% trong năm nay, cụ thể là khoảng 6,3 - 6,5%. Để đạt được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Đức Thành, kinh tế quý IV cần phải tăng trưởng ít nhất là 8,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Vẫn theo ông Nguyễn Đức Thành, kinh tế quý II có trầm lắng nhưng bước qua quý III, sang quý IV có dấu hiệu phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng 8,3% trong quý IV là khó có thể đạt được. Do đó, Nhóm nghiên cứu của VEPR vẫn kiên trì giữ nguyên mức dự báo từ đầu năm đến nay là tăng trưởng 6% cho cả năm 2016. Đồng quan điểm, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng là cực kỳ khó khăn. Tăng trưởng kinh tế cùng lắm là đạt 6 - 6,2%. 

Lạm phát có nguy cơ tăng cao

Đề xuất biện pháp điều hành kinh tế trong những tháng cuối năm, ông Tuyển khuyến nghị, Chính phủ cần cân nhắc việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, tránh tăng quá cao. Lạm phát có nguy cơ chạm trần Quốc hội đặt ra, thậm chí không loại trừ khả năng vượt trần. Do vậy, các cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, cần linh động trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong quý IV/2016 và đầu năm 2017.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng trên 6% trong năm nay, cụ thể là khoảng 6,3 - 6,5%. 
Còn ông Nguyễn Đức Thành thì cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thương mại có thể cắt giảm từng bước lãi suất cho vay, khi mà áp lực chạy đua lãi suất không còn như những quý trước.

Theo các chuyên gia, Chính phủ cần có quyết tâm mạnh mẽ và có biện pháp rõ ràng hơn trong việc giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết cũng như hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là khu vực tư nhân. Đồng thời tăng khả năng thực thi những chính sách mới đã được thể hiện trong Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 một cách khả thi và hiệu quả hơn.

Riêng mục tiêu duy trì bội chi ngân sách dưới 5% GDP trong năm 2016, trong thời gian tới, Chính phủ cần bám sát thực tế, có chiến lược tổng thể, hữu hiệu cắt giảm bộ máy hành chính, chi thường xuyên trong cả nhiệm kỳ; thoái vốn dứt khoát tại các doanh nghiệp nhà nước...

Để góp phần đạt mức tăng trưởng 8,3% trong quý IV, có ý kiến đặt lại vấn đề về có hay không có khả năng Chính phủ sẽ tung ra gói kích cầu lớn như năm 2009 đã từng làm trước đó? Ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, bối cảnh của năm 2009 khác với bối cảnh hiện nay. Năm 2009, nền kinh tế thế giới suy giảm, nên cả thế giới đều có xu thế bơm vốn vào thị trường, chủ yếu là bất động sản, thị trường tài sản. Nhưng hiện nay, không ai đặt ra vấn đề này, thậm chí có đi nữa thì hiệu quả của biện pháp này cũng không cao, làm xáo trộn thị trường, không tăng được năng lực sản xuất, trong khi chất lượng tăng trưởng kinh tế chính là cải thiện năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh và điều kiện sống của người lao động. Thà tăng trưởng chậm nhưng củng cố được vấn đề năng suất và ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tốt hơn nhiều, không nên bám chặt vào chỉ tiêu tăng trưởng.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh, chỉ số ngành công nghiệp khai khoáng và nông nghiệp suy giảm trong quý III cho thấy đã đến lúc phải chấp nhận thực tế. Đó là thực trạng tài nguyên ngày càng cạn kiệt, không nên tận khai tài nguyên. Việc ngành công nghiệp khai khoáng đang suy giảm chính là một điều kiện tất yếu để điều chỉnh chính sách phát triển cho phù hợp. Biến đổi khí hậu, khô hạn, ngập mặn là điều kiện tự nhiên, phải chấp nhận trong chừng mực nào đấy để tái cơ cấu nông nghiệp, đảm bảo tăng trưởng dài hạn.

Chuyên đề