Có căn cứ để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%

(BĐT) - Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội cuối tuần qua, nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện sự ủng hộ đối với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay của Chính phủ.
Để thúc đẩy tăng trưởng cần tăng tổng cầu của nền kinh tế với giải pháp cụ thể là tăng tín dụng đầu tư và tín dụng cho tiêu dùng. Ảnh: Lê Tiên
Để thúc đẩy tăng trưởng cần tăng tổng cầu của nền kinh tế với giải pháp cụ thể là tăng tín dụng đầu tư và tín dụng cho tiêu dùng. Ảnh: Lê Tiên

Bởi đạt được mục tiêu này có ý nghĩa to lớn đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung, dài hạn, để Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội vượt bẫy thu nhập trung bình.

Ủng hộ quyết tâm của Chính phủ                             

Hiện tại với mức tăng trưởng GDP quý I chỉ ở mức 5,1%, thấp hơn mức năm ngoái và còn rất xa so với mục tiêu 6,7% của cả năm nên một số chuyên gia nhận định đây là mục tiêu bất khả thi, vì để đạt được mục tiêu thì tăng trưởng các quý còn lại phải trên 7%. Kết quả này rất khó đạt được, vì muốn tăng trưởng phải duy trì được năng suất cao, nhưng năng suất của Việt Nam lại đang đi xuống.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) đã chỉ ra những cơ sở, dư địa để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Đại biểu Hà thể hiện sự đồng thuận và ủng hộ quyết tâm của Chính phủ là tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc để thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm 2017 là 6,7% như kế hoạch đề ra, tạo điều kiện cần thiết để đạt kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 từ 6,5 - 7%.

“Tôi đồng tình không chạy theo số lượng, nhưng phải đặt cả 2 mục tiêu số lượng và chất lượng như nhau, vì GDP là một trong bốn mục tiêu quan trọng nhất của kinh tế vĩ mô, đó là tăng GDP, ổn định giá cả, tăng việc làm giảm thất nghiệp và tăng xuất khẩu”, đại biểu Lê Thu Hà nêu quan điểm.

Theo vị đại biểu Lào Cai, nếu năm 2017 không đạt được mục tiêu 6,7% thì hai năm liền không đạt được kế hoạch, khiến 3 năm còn lại sẽ khó khăn hơn. Nhìn xa hơn nếu trong 20 năm từ 2016 đến 2035, nền kinh tế Việt Nam không đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm thì Việt Nam không còn cơ hội thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 là rất quan trọng đối với lộ trình 20 năm tới.

Không phủ nhận 6,7% là mục tiêu tăng trưởng cao trong bối cảnh hiện nay, nhưng giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định có cơ sở để Chính phủ phấn đấu giữ mục tiêu này. Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh quan điểm không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, xác định ổn định kinh tế vĩ mô là gốc, nhưng cũng cần tận dụng mọi cơ hội có thể phát triển nhanh. “6,7% là mục tiêu cao, nhưng có cơ sở để phấn đấu, với điều kiện triển khai đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cả người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) tin tưởng, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để đạt mục tiêu tăng trưởng, phân công công việc cụ thể tới các thành viên Chính phủ bằng các chỉ tiêu mệnh lệnh rõ ràng, chắc chắn sẽ tạo ra chuyển biến trong các tháng cuối năm. 

Tăng tổng cầu là giải pháp hiệu quả

Đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) chỉ ra một số vấn đề lớn của nền kinh tế hiện nay là sức ép trong điều hành tài chính khi mất cân đối thu chi lớn; vai trò kiến tạo của các bộ, địa phương chưa theo kịp yêu cầu của Chính phủ; các nguồn thu lớn chưa đạt, chủ yếu thu từ đất đai; nợ công, nợ xấu, bội chi ngân sách tăng chưa dừng… Trong bối cảnh này, đại biểu Phong khuyến nghị Chính phủ cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đưa ra.

Theo dự báo, nếu không có nhân tố mới thì GDP năm 2017 chỉ tăng 6,2%, như vậy so với mục tiêu 6,7% còn thiếu hụt khoảng 0,5%. Hiến kế cho Chính phủ làm sao tìm ra các dư địa và khai thác hiệu quả để bù đắp khoảng thiếu hụt này nhưng không ảnh hưởng đến các mục tiêu khác như áp lực lạm phát, tăng nợ công, nợ xấu, đại biểu Lê Thu Hà nêu 3 giải pháp lớn.

Đầu tiên, cần tăng tổng cầu của nền kinh tế, mà giải pháp cụ thể là tăng thêm tín dụng khoảng 2% so với kế hoạch đề ra (kế hoạch là 18% - 20%), bao gồm cả tín dụng đầu tư và tín dụng cho tiêu dùng vào những lĩnh vực, đối tượng có tốc độ giải ngân nhanh nhất trong năm 2017. Với mức tăng tín dụng thêm 2% sẽ không gây thêm lạm phát tiền tệ vì lạm phát cơ bản đến nay vẫn thuận lợi, quý I/2017 lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,66% so với bình quân năm 2016. “Ngay cả tình huống năm 2017, CPI tăng bình quân cao hơn 4% so với năm 2016, nhưng dưới 5% thì cũng chỉ có tác động kích thích tăng trưởng, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, kèm theo giải pháp này phải không điều chỉnh tăng giá điện và các loại dịch vụ công khác như y tế, giáo dục từ nay đến cuối năm”, đại biểu Hà nhận định.

Thứ hai là kích thích tăng tiêu dùng dân cư và đầu tư tư nhân thông qua các biện pháp mở rộng tín dụng tiêu dùng, tháo gỡ các thủ tục hành chính để thúc đẩy các công trình xây dựng đầu tư tư nhân, nhất là công trình của doanh nghiệp. Đặc biệt, có biện pháp giải ngân nhanh đầu tư công năm 2017 bao gồm các dự án BOT, BT, hạ tầng giao thông. Nếu hết quý III/2017 giải ngân được 70% kế hoạch thì tác động lan tỏa rất lớn trong quý IV/2017.

Thứ ba, theo đại biểu Hà, nút thắt lớn nhất hiện nay vẫn là thủ tục hành chính. Mặc dù Thủ tướng rất quyết tâm cải cách, nhưng trên thực tế đây vẫn là nút thắt kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Vị đại biểu này lấy ví dụ trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư, theo Luật Xây dựng mới thì số dự án, công trình phải thông qua bộ quản lý chuyên ngành nhiều hơn trước đây. Hầu hết các dự án đều phải chờ bộ, ngành có liên quan phê duyệt với thủ tục rất phức tạp, làm nản lòng không chỉ nhà đầu tư mà cả chính quyền địa phương. Nếu tháo gỡ được điểm nghẽn về thủ tục hành chính thì sẽ tạo ra được sức bật cho tăng trưởng mà tăng trưởng hiện nay vẫn còn nhiều dư địa.

Về giải pháp khai thác thêm dầu, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, trong điều kiện giá dầu phục hồi thuận lợi thì khai thác thêm là biện pháp phù hợp, vì kế hoạch năm nay thấp hơn năm trước khá nhiều. Tuy nhiên, các đại biểu lưu ý, khai thác tài nguyên chỉ là giải pháp tình thế, không nên lạm dụng trong lâu dài, cứ tăng trưởng không đạt lại khai thác thêm dầu. Giải pháp căn cơ nhất vẫn là phải nâng cao năng suất lao động.

Chuyên đề