CIEM: Tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt 6,82%

(BĐT) - Cuối tuần qua, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019: Kết quả và góc nhìn”.
Lạm phát cơ bản bình quân trong 6 tháng đầu năm cao hơn hẳn so với các năm 2017 - 2018, đòi hỏi chính sách tiền tệ phải được điều hành thận trọng. Ảnh: Nhã Chi
Lạm phát cơ bản bình quân trong 6 tháng đầu năm cao hơn hẳn so với các năm 2017 - 2018, đòi hỏi chính sách tiền tệ phải được điều hành thận trọng. Ảnh: Nhã Chi

Theo nghiên cứu của CIEM, 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,76%, thấp hơn mức tăng của nửa đầu năm 2018 nhưng cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2017. Kết quả này không cách xa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 (6,8 - 7,0%).

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực và tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn giữ xu hướng giảm, phản ánh lo ngại về chất lượng tăng trưởng chưa được củng cố, đặc biệt khi Việt Nam lưu tâm hơn đến ứng phó với tác động bất lợi từ môi trường kinh tế bên ngoài.

Nhóm nghiên cứu của CIEM cho biết, lạm phát cơ bản bình quân trong 3 tháng đầu năm và 6 tháng đầu năm đều cao hơn hẳn so với các năm 2017 - 2018, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng.

Cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019, CIEM cho rằng, GDP có thể đạt mức 6,82%. Bên cạnh đó, CIEM cũng dự báo tăng trưởng xuất khẩu cả năm ở mức 8,02%, thặng dư thương mại ở mức 0,8 tỷ USD, lạm phát bình quân năm 2019 đạt 3,38%.

Báo cáo của CIEM nhấn mạnh, diễn biến kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố về rủi ro suy thoái kinh tế thế giới, căng thẳng thương mại chưa hạ nhiệt, hàng xuất khẩu Việt Nam có thể vấp phải nhiều vụ kiện thương mại, điều tra chống bán phá giá..., sự đối đầu công nghệ mới và tư duy quản lý truyền thống ngày càng phức tạp hơn.

Chuyên đề