Chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp: Khó ở thuế

(BĐT) - Hộ kinh doanh không muốn thành lập doanh nghiệp vẫn phải kê khai thuế và hạch toán như doanh nghiệp nếu đủ điều kiện. 
Việc nắm được doanh thu và số lao động của mỗi hộ kinh doanh là không dễ dàng. Ảnh: Tiên Giang
Việc nắm được doanh thu và số lao động của mỗi hộ kinh doanh là không dễ dàng. Ảnh: Tiên Giang

Đây là điểm mới đáng chú ý tại Dự thảo Luật Quản lý thuế sắp trình Quốc hội ở Kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, cách tiếp cận này vẫn bị hoài nghi về tính khả thi và hiệu quả quản lý. 

Phải kê khai thuế như doanh nghiệp nếu đủ điều kiện

Dự thảo Luật Quản lý thuế nêu: “Từ năm 2020, hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu và số lao động đáp ứng mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai”.

Xét theo quy định tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó là những hộ kinh doanh có từ 10 lao động và doanh thu từ 3 tỷ đồng/năm đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng, từ 10 tỷ đồng/năm với lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế thuộc Tổng cục Thuế cho biết: “Những hộ kinh doanh đáp ứng tiêu chí về doanh thu và lao động như trên là đủ tiêu chuẩn để trở thành doanh nghiệp, song họ tránh thành lập doanh nghiệp nên phải kê khai thuế và thực hiện chế độ kế toán như doanh nghiệp. Những hộ còn lại áp dụng thuế khoán với mức khoán có thể cao hơn hiện nay một chút. Căn cứ vào tài liệu kê khai của hộ, cá nhân kinh doanh, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, hội đồng tư vấn xã, phường, thị trấn sẽ xác định mức thuế khoán”.

Về việc kiểm soát doanh thu và số lượng lao động của những hộ kinh doanh này, ông Huy cho biết, Dự thảo cũng nêu điểm mới về việc tổ chức lại hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn nhằm đảm bảo hoạt động chặt chẽ hơn. Hội đồng này do UBND huyện, thành phố thành lập trên cơ sở đề nghị của chi cục thuế. Thành phần hội đồng gồm: đại diện cơ quan thuế, UBND xã, phường, thị trấn, hộ, cá nhân kinh doanh. Hội đồng sẽ công khai mức thuế khoán tại trụ sở xã, phường, chi cục thuế, chợ. Đây là cơ sở để các hộ, cá nhân kinh doanh cùng giám sát, hạn chế thất thoát thuế.

Một biện pháp khác góp phần tăng cường quản lý thuế của các hộ kinh doanh là Nghị định 119/NĐ-CP về hóa đơn điện tử vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, từ năm 2020, các hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, có doanh thu năm liền kề đạt 3 tỷ đồng trở lên phải dùng hóa đơn có mã xác thực của cơ quan thuế. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh này cũng phải kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế để giám sát doanh thu nhằm tính đúng, tính đủ số thuế.

“Dù chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng đóng góp cho ngân sách, song việc áp dụng chế độ kế toán và thuế kê khai với hộ kinh doanh như doanh nghiệp là để minh bạch trong quản lý thuế. Doanh nghiệp có trách nhiệm tự kê khai, tự tính và tự nộp thuế. Cơ quan thuế có thể hậu kiểm. Bên cạnh đó, Chính phủ đang khuyến khích các hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp siêu nhỏ. Do đó, việc đưa ra quy định về quản lý thuế hộ kinh doanh cũng nhằm đồng bộ với chủ trương và chính sách phát triển doanh nghiệp của Chính phủ”, ông Huy nói.

Băn khoăn về tính khả thi

Bình luận về những nội dung mới này tại Dự thảo Luật Quản lý thuế, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng, việc chuyển từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp có thể có 2 cách tiếp cận. Một là, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và giảm gánh nặng thuế thì hiển nhiên các hộ kinh doanh tự nguyện thành doanh nghiệp. Hai là, bắt buộc các hộ kinh doanh phải thành doanh nghiệp bằng các biện pháp quản lý mang tính hành chính hơn.

“Quy định mới tại Dự thảo là làm theo cách thứ hai, song khả năng và hiệu quả thực thi vẫn còn là điều đáng bàn. Bởi lẽ, việc nắm được số doanh thu và lao động của mỗi hộ kinh doanh là không dễ dàng. Ngay cả việc áp dụng thuế khoán từ trước đến nay cũng không hẳn sát với doanh thu thực tế của các hộ kinh doanh. Việc bắt buộc như vậy có thể càng khiến các hộ kinh doanh né lên doanh nghiệp”, vị chuyên gia này nêu quan điểm.

Với sự thay đổi quy định về hội đồng tư vấn thuế cấp xã, phường, ông Ánh nhận xét: “Hội đồng này đã từng được thành lập nhưng hoạt động hoàn toàn không hiệu quả. Đến nay, hầu hết người dân các địa phương không biết đến hội đồng này. Điều quan trọng của một hội đồng như vậy phải là năng lực của nhân sự và tính minh bạch trong quản lý. Rõ ràng, việc dựa vào hội đồng như vậy để tính doanh thu và số lao động của hộ kinh doanh là không dễ dàng. Còn làm cách nào để tăng tính khả thi của những quy định mới mang tính bắt buộc này thì lại phải xem xét các quy định hướng dẫn cụ thể”.

Chuyên đề