Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì đón tiếp Tổng thống Cộng hòa Ba Lan

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 27 - 30/11.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Cộng hoà Ba Lan Andrzej Duda tại lễ đón. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Cộng hoà Ba Lan Andrzej Duda tại lễ đón. Ảnh: TTXVN

Việt Nam và Cộng hòa Ba Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 4/2/1950. Những năm gần đây, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước có những bước phát triển tích cực.

Trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại mở cửa hướng về châu Á, Ba Lan rất coi trọng vai trò, vị trí của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là đối tác ưu tiên hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.

Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại Trung Đông Âu. Việt Nam là bạn hàng đứng thứ 7 của Ba Lan ngoài Liên minh châu Âu. Kim ngạch thương mại song phương tăng khá nhanh - năm 2016 đạt 790 triệu USD, trong 9 tháng của năm 2017, tổng kim ngạch đã đạt 730 triệu USD (theo số liệu của Tổng cục Hải quan).

Tính đến tháng 10/2017, Ba Lan có 14 dự án đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 182,88 triệu USD. Việt Nam đã có 4 dự án đầu tư sang Ba Lan với tổng vốn đầu tư khoảng 5,1 triệu USD thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp thực phẩm.

Hợp tác song phương trong các lĩnh vực quốc phòng, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch tiếp tục được duy trì ổn định. Kể từ những năm 1960 đến đầu những năm 1990, Ba Lan đã đào tạo cho Việt Nam trên 4.000 sinh viên và cán bộ khoa học; trên 3.500 công nhân lành nghề, chủ yếu trong các ngành than, đóng tàu. Những năm gần đây, số lượng học sinh du học tự túc sang Ba Lan có chiều hướng tăng.

Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hiện có khoảng 40 nghìn người, đóng góp vào việc phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước và được chính quyền Ba Lan đánh giá tích cực. Những năm gần đây, số lượng người Ba Lan tại Việt Nam cũng tăng mạnh, tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Sáng 28/11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã chủ trì lễ đón Tổng thống Andrzej Duda và Phu nhân theo nghi thức trọng thể dành đón Nguyên thủ quốc gia.

Tham dự lễ đón, về phía Việt Nam có: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Vũ Đăng Dũng; Thứ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường. Về phía Ba Lan có các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Cũng trong sáng 28/11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao hai nước đã tiến hành hội đàm tại Phủ Chủ tịch.

Kết thúc cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Andrzej Duda đã chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước, đó là: Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ba Lan về hợp tác tài chính, Thỏa thuận giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Ba Lan về hợp tác giáo dục đào tạo, Ý định thư giữa Trường Đại học Hà Nội và Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Ba Lan về thành lập khóa học tiếng Ba Lan, Bản ghi nhớ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Ba Lan về hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Ba Lan về hợp tác nông nghiệp, Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Phát triển Kinh tế và Tài chính Ba Lan về hợp tác kinh tế, Bản ghi nhớ giữa Thông tấn xã Việt Nam và Thông tấn xã Ba Lan, Hợp đồng đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm giữa Công ty TNHH Dược phẩm Đạt Vi Phú và Công ty ADAMED của Ba Lan.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã chủ trì họp báo chung, thông báo với các phóng viên trong nước và quốc tế về kết quả cuộc hội đàm.

Phát biểu tại họp báo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thông báo, hai nhà Lãnh đạo đã nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao; thường xuyên tham vấn về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là tại Liên hợp quốc, trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - EU và ASEM.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ cảm ơn Ba Lan đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021; đồng thời đề nghị Ba Lan ủng hộ và tích cực thúc đẩy việc sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Lãnh đạo hai nước hoan nghênh những kết quả tích cực trong hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước thời gian qua; đánh giá cao việc Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Phát triển Kinh tế và Tài chính Ba Lan ký Bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế, trong đó có Thỏa thuận thiết lập cơ chế tham vấn định kỳ giữa hai Bộ nhằm điều phối, đôn đốc hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương trong thời gian tới.

Hai nhà Lãnh đạo đánh giá cao những nỗ lực của cả hai bên trong việc đàm phán và ký chính thức Hiệp định tài chính trị giá 250 triệu Euro, tạo cơ sở triển khai các dự án hợp tác sử dụng tín dụng ODA của Chính phủ Ba Lan dành cho Việt Nam tới đây.

Hoan nghênh việc Ba Lan chính thức mở Văn phòng đại diện Tổng cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ba Lan đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trên các lĩnh vực Ba Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như: khai thác khoáng sản, chế biến thực phẩm, dược phẩm, bảo vệ môi trường...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thông báo, hai nhà Lãnh đạo đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn an ninh, hòa bình, thúc đẩy hợp tác và phát triến trên thế giới; nhất trí cho rằng mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nhấn mạnh về truyền thống quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Ba Lan trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2018 - 2019, đồng thời khẳng định cam kết của Ba Lan ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Đề cập tới các văn kiện vừa được ký kết giữa hai nước, Tổng thống Andrzej Duda khẳng định, đây là những thỏa thuận đóng vai trò quan trọng, tạo cơ sở để tăng cường hợp tác hai nước trên nhiều lĩnh vực, qua đó nhiều sản phẩm dược phẩm, công nghệ của Ba Lan có cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam, sinh viên Việt Nam có thêm học bổng du học tại Ba Lan…

Tổng thống Andrzej Duda cũng khẳng định, sự kiện khai trương Văn phòng đại diện Tổng cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan (dự kiến ngày 30/11/2017) thể hiện sự quan tâm của Ba Lan đối với việc phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Văn phòng đại diện chính là nhằm tạo ra không gian để doanh nghiệp hai nước có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và đi đến những thỏa thuận hợp tác.

Nhắc lại chuyến thăm Ba Lan cách đây 10 năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Andrzej Duda cho biết, Thủ tướng hai nước khi đó trao đổi nhiều biện pháp nhằm hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt mức 1 tỷ USD.

Theo số liệu của phía Ba Lan, giao lưu thương mại Ba Lan - Việt Nam hiện đã đạt 2 tỷ USD/năm.

Và Tổng thống Andrzej Duda nhấn mạnh niềm tin, giao lưu thương mại giữa hai nước vẫn còn triển vọng tăng gấp nhiều lần trong những năm tới, trên cơ sở những kết quả đạt được trong chuyến thăm Việt Nam lần này và chuyến thăm Ba Lan trong thời gian sắp tới của Chủ tịch nước Việt Nam.

Chuyên đề