Chủ tịch nước Trần Đại Quang: APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển

(BĐT) - Tại Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai diễn ra sáng 16/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự và có định hướng quan trọng cho các nội dung thảo luận tại Đối thoại.
Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN

Đánh giá chung, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, chặng đường 28 năm hình thành và 23 năm thực hiện mục tiêu Bô-go về tự do hoá thương mại và đầu tư, APEC đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trong phát triển kinh tế ở khu vực. Những nỗ lực của APEC trong việc thực hiện 3 trụ cột hợp tác về tự do hoá thương mại và đầu tư, thuận lợi hoá kinh doanh và hợp tác kinh tế - kỹ thuật đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế ở khu vực. Từ năm 2000 đến 2015, tổng kim ngạch thương mại của APEC đã tăng 2,5 lần, từ 6,4 nghìn tỷ USD lên 16,5 nghìn tỷ USD; thuế quan trung bình đã giảm hơn một nửa, từ 11% năm 1996 xuống còn 5% năm 2015. Đây là những con số sinh động khẳng định thành công và vai trò quan trọng của APEC trong gần 3 thập niên qua, góp phần đưa hàng triệu người thoát cảnh đói nghèo.

Chuẩn bị bước vào thập niên thứ tư trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đặt vấn đề về việc trong bối cảnh phát triển mới, người dân và doanh nghiệp trong khu vực APEC, từ các công ty lớn đến hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đang đặt ra cho chúng ta những câu hỏi cần được giải đáp thấu đáo là APEC đang và sẽ làm gì cho họ? Những câu hỏi này đặt ra ngày càng bức thiết khi kinh tế toàn cầu vẫn phục hồi bấp bênh, chậm chạp trong khi sự bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo giữa các nền kinh tế và trong từng nền kinh tế, tình trạng thất nghiệp tiếp tục gia tăng, có nguy cơ làm đảo ngược các thành quả kinh tế - xã hội mà chúng ta đã nỗ lực đạt được.

“Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm các nền kinh tế APEC đưa ra thông điệp khẳng định tiếp tục cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực và ủng hộ một tiến trình toàn cầu hóa mới tiến bộ hơn. Chúng ta cần xây dựng tầm nhìn mới sau 2020 nhằm đem lại cho APEC một giá trị và vai trò mới trong cấu trúc kinh tế khu vực và toàn cầu đang thay đổi” – Chủ tịch nước khẳng định.

Đưa ra “Chìa khóa cho thành công mới của APEC hiện nay” theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang chính là việc APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển. Theo đó, tăng trưởng sẽ không thể bền vững nếu không bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội. Tăng trưởng sẽ không thể bền vững nếu không đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sáng tạo và cạnh tranh của cả nền kinh tế và các doanh nghiệp. Tăng trưởng sẽ không thể bền vững nếu không chú trọng bảo vệ môi trường và xử lý các tác động ngày càng bất lợi từ biến đổi khí hậu, thiên tai và các thách thức về kinh tế - xã hội.

Do đó, APEC cần hết sức chú trọng thúc đẩy giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và một hệ thống các giải pháp chính sách xã hội tích cực, chủ động nhằm bảo đảm mọi thành phần xã hội và lao động có thể tham gia tích cực và thụ hưởng thành quả từ cách mạng công nghệ trong kỷ nguyên số. Những thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam hơn 30 năm qua cũng như định hướng chiến lược phát triển của chúng tôi trong thời gian tới cũng không nằm ngoài định hướng đó.

Tại Đối thoại diễn ra sáng nay, Chủ tịch nước đề nghị các chuyên gia trong và ngoài nước cùng các đại biểu thảo luận để làm rõ thêm một số vấn đề như: xác định những biện pháp và lĩnh vực hợp tác cụ thể để thúc đẩy việc hoàn tất thực hiện các mục tiêu Bô-go đúng thời hạn vào năm 2020; xác định mục tiêu và khung thời gian cho APEC giai đoạn sau 2020 cùng các trụ cột hợp tác của APEC; xác định các bước đi để xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020.

Chuyên đề