Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu trong Lễ công bố Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Ảnh: Trương Gia
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu trong Lễ công bố Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Ảnh: Trương Gia

Chủ động đón bắt cơ hội mới

(BĐT) - Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đòi hỏi chúng ta phải chủ động, tích cực, quyết liệt đổi mới, sáng tạo, thực hiện hàng loạt chương trình cải cách. Chúng ta không chỉ tiếp nhận, tận dụng mà còn phải tạo ra cơ hội mới với tư duy và phương châm hành động là “bây giờ hoặc không bao giờ” vì cơ hội chỉ đến một lần và không bao giờ quay lại.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng về cách thức để Việt Nam không bị lỡ “chuyến tàu” CMCN 4.0.

“Cơ hội không tự nhiên đến với một quốc gia thụ động”

Cuộc CMCN 4.0 hình thành và phát triển thông qua quá trình tích hợp của hàng loạt công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây... Với CMCN 4.0, công cụ sản xuất chính sẽ là hệ thống máy móc có kết nối, thông minh hơn, giúp con người có thể tạo ra nhiều giá trị hơn với tốc độ cao hơn; nhu cầu đầu tư vào tài sản vật chất không còn quan trọng như trước đây. Tư liệu sản xuất chính sẽ là dữ liệu. Lao động chủ yếu là lao động trí óc; các nước có nguồn lực con người, nếu được đào tạo tốt, sẽ có lợi thế. Khoa học công nghệ đóng vai trò vượt trội so với các yếu tố đầu vào sản xuất khác...

CMCN 4.0 có tốc độ phát triển và lan truyền nhanh hơn rất nhiều các cuộc CMCN trước, tạo cơ hội cho nước đi sau, tạo thách thức cho nước đi chậm. Theo Bộ KH&ĐT, CMCN 4.0 là cơ hội tốt nhất cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam do nước ta có tiềm năng về nhân lực, hạ tầng và thị trường. CMCN 4.0 là công cụ để Việt Nam nhanh chóng thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Coi CMCN 4.0 là cơ hội lớn mà nếu không nắm bắt thì sẽ bị tụt hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam không thể nằm ngoài cuộc chơi của CMCN 4.0, đây là một cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ phải mặc định là một phần trong đó. Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là lựa chọn nắm bắt cơ hội, sớm lên “đoàn tàu” 4.0 và không để trôi qua. “Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý chí của người Việt Nam, chúng ta sẵn sàng vượt qua thách thức để nắm bắt lấy cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0", Thủ tướng nêu rõ.

Cơ hội từ CMCN 4.0 là rất rõ ràng. Nghiên cứu sơ bộ của Công ty tư vấn BCG cho thấy, CMCN 4.0 có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 8 đến 18 tỷ USD mỗi năm, là động lực để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như thúc đẩy các nỗ lực cải cách hiện nay mà Chính phủ đang thực hiện một cách mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.

“Chủ trương của Chính phủ là tranh thủ tối đa cuộc CMCN 4.0 để giúp chúng ta nâng cao hiệu quả, hiệu suất của nền kinh tế, qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đưa quy mô nền kinh tế cao hơn nữa”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Với tinh thần chủ động, quyết liệt đón bắt cơ hội, Chính phủ đã giao các bộ ngành liên quan triển khai các chương trình, đề án lớn để chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực bước lên “con tàu” 4.0. Trong đó, Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN lần thứ 4.

Đối thoại Kết nối Cộng đồng khoa học công nghệ

Bộ KH&ĐT dự kiến sẽ hoàn thành bản Chiến lược, báo cáo Thủ tướng vào cuối năm nay. Định hướng chiến lược đến 2030 và tần nhìn 2045 là nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một nước có trình độ công nghệ cao, là một trung tâm nghiên cứu, sáng tạo tầm cỡ khu vực và thế giới. Đồng thời, nỗ lực hết sức để Việt Nam nhanh chóng bắt kịp, đi cùng với thế giới trong các công nghệ phổ biến của CMCN 4.0, phấn đấu vượt lên trong một số công nghệ ưu tiên.

Chương trình vạch ra hàng loạt cải cách trên 4 yếu tố nền tảng gồm: Đột phá về thể chế; Phát triển và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; Phát triển nguồn nhân lực.

Trong đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đổi mới và phát triển hệ thống thể chế phù hợp là quan trọng và quyết định nhất, đúng như thông điệp đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở nhiều lần là “thể chế, thể chế và thể chế”. Hệ thống thể chế cho CMCN 4.0 trước hết là thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập; luôn hướng tới sự chấp nhận, thích nghi và khuyến khích thúc đẩy với những cái mới, những thay đổi liên tục, mạnh mẽ và nhanh chóng của khoa học và công nghệ; là hệ thống thể chế nuôi dưỡng, thu hút nhân tài, giải phóng năng lực cá nhân, phát huy tối đa sức sáng tạo của mọi cá nhân, tổ chức để mang lại những giá trị mới cao hơn; bảo vệ được an toàn, an ninh trên không gian mạng cũng như quyền tự do và quyền riêng tư của mỗi người.

Trên cơ sở 4 yếu tố nền tảng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết cần thúc đẩy chuyển đổi quản trị và sản xuất theo 4 trụ cột.

Thứ nhất, chuyển đổi nền quản trị quốc gia, trước hết là xây dựng Chính phủ điện tử, dần tiến tới Chính phủ số và phát triển thành phố thông minh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế bằng các công nghệ hiện đại; giảm thiểu chi phí tuân thủ và tạo cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp trong các ngành kinh tế mới.

Thứ hai, chuyển đổi phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh theo hướng thông minh hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn; áp dụng phổ biến các phương thức kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, thanh toán điện tử... Thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới kết hợp với khuyến khích và hỗ trợ phát triển các công ty công nghệ trong nước; hỗ trợ nâng cao kỹ năng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận, áp dụng các công nghệ, các mô hình quản lý và kinh doanh phổ biến trong thời đại CMCN 4.0 để họ tiếp cận được thị trường toàn cầu.

Thứ ba, áp dụng các công nghệ và phương thức tổ chức kinh doanh của CMCN 4.0 để nhanh chóng chuyển đổi sản xuất trong các ngành có lợi thế, có tiềm năng phát triển, có thể đóng góp lớn vào phát triển đất nước như sản xuất nông nghiệp, công nghệ thông tin, dịch vụ hậu cần - logistics, dịch vụ tài chính, dịch vụ y tế, giáo dục.

Thứ tư, xây dựng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp để phát triển các công nghệ tiên tiến, giúp Việt Nam vượt lên ở một số lĩnh vực của CMCN 4.0, như trí tuệ nhân tạo, chế tạo thông minh, an ninh mạng... Hệ sinh thái phải được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế, trong đó, hạt nhân là chuỗi các trung tâm đổi mới sáng tạo theo các mô hình tốt nhất thế giới. Các trung tâm này được quản trị theo thông lệ tốt nhất của quốc tế, kết nối hữu cơ với các trường đại học, các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học cả trong nước, khu vực và quốc tế; cùng với sự tham gia của các công ty công nghệ hàng đầu, các nhà đầu tư để hỗ trợ những người khởi nghiệp phát triển, nhanh chóng thương mại hóa các ý tưởng, phát minh sáng chế và mô hình kinh doanh mới. 

Các trung tâm đổi mới sáng tạo với hệ sinh thái phải là nơi sống, làm việc tốt, đủ sức cạnh tranh quốc tế để thu hút các tài năng công nghệ, trước hết là những người Việt Nam ở trong và ngoài nước đến làm việc, nghiên cứu phát triển các công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0. Đó sẽ là nơi kiến tạo và phát triển năng lực công nghệ quốc gia, tạo ra những sản phẩm công nghệ “Made in Việt Nam” và “Made by Việt Nam”, để chúng ta vươn lên trong các ngành, lĩnh vực công nghệ mà Việt Nam có tiềm năng, lợi thế.

Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ KH&ĐT về xây dựng đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Đề án dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2018 và phấn đấu khởi công xây dựng Trung tâm vào cuối năm nay.

Như cách nói của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cơ hội không tự nhiên đến với một quốc gia thụ động. Việc thực hiện Chiến lược khi được thông qua, cùng với những nỗ lực, hành động đã và đang được triển khai sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam chủ động tận dụng và hiện thực hóa nhanh chóng cơ hội từ CMCN 4.0. 

Buổi trao đổi mở giữa lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam và các chuyên gia, nhà khoa học

Kết nối trí tuệ Việt - khởi đầu quan trọng để chuẩn bị nguồn nhân lực

Một trong bốn yếu tố nền tảng của Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 là phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của CMCN 4.0. Ngay từ lúc này, việc chuẩn bị mạng lưới nhân lực để thực hiện Chiến lược được cho là rất cần thiết, vì con người chính là trung tâm thực hiện đổi mới sáng tạo. 

Trong 1 tuần của tháng 8 năm nay, sự quy tụ của 100 chuyên gia, nhà khoa học người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài về Việt Nam trong Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam là bước khởi đầu thành công để xây dựng, mở rộng mạng lưới nhân lực.

Sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo được công bố ngày 19/8/2018, tạo ra cầu nối để các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, trí thức người Việt đang học tập, làm việc ở nước ngoài và giới khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước cùng gặp gỡ, tạo mối liên kết, trao đổi, chia sẻ tầm nhìn, chiến lược phát triển khoa học công nghệ và những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam cần đẩy mạnh trong thời gian tới.

Nhiều nhà khoa học trẻ sau nhiều năm làm việc tại các nước phát triển hàng đầu về khoa học công nghệ chia sẻ, họ luôn mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho Tổ quốc, được cống hiến sức lực, trí tuệ và kết nối, chia sẻ tri thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới cho quê hương, đất nước. Cuộc trở về lần này đã mở ra rất nhiều cơ hội để họ có thể kết nối hợp tác với những doanh nghiệp công nghệ trong nước, hay những chương trình, dự án về khoa học công nghệ trong nhiều lĩnh vực, để dù sau đó có trở về nước hay không, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới vẫn có thể đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đã có những cái bắt tay, những cơ hội hợp tác rất cụ thể được mở ra sau các cuộc gặp với lãnh đạo Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM hay lãnh đạo các tập đoàn lớn như Vin group, FPT, Viettel...

100 người Việt tài năng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ở nước ngoài tham quan Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Đánh giá cao Sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, GS. Ngô Bảo Châu cho rằng, sự kết nối các nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước sẽ khơi dậy tiềm lực trí tuệ, sáng tạo của người Việt, là chìa khóa để Việt Nam tiến tới thịnh vượng. Và hơn hết, sau những cơ hội làm việc tại Việt Nam, GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ, bản thân ông ngày càng cảm nhận rõ hơn về hạnh phúc, dần bồi đắp hiểu biết về con người, đất nước Việt Nam để thấy những “vẻ đẹp lạ thường”, để ngày càng yêu quý đất nước hơn. Cảm nhận này của GS. Ngô Bảo Châu sau đó được nhiều nhà khoa học trẻ trở về trong Chương trình kết nối nhắc lại với sự đồng cảm rất lớn, bởi tình yêu với đất nước, với nơi sinh thành, sự tự tôn tự hào dòng máu Việt là động cơ thôi thúc trở về, cống hiến cho Tổ quốc.

Đây là sự khởi đầu, và theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Ngày hôm nay là một trăm tài năng, trí tuệ tiên phong, nhưng trong tương lai sẽ là hàng nghìn, hàng vạn tài năng, trí tuệ Việt Nam, cùng chung tay, góp sức xây dựng đất nước ngày càng cường thịnh”.

Đoàn kết đã tạo nên sức mạnh cho đất nước Việt Nam nhỏ bé để chiến thắng trong nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc. Và trong thời đại của khoa học công nghệ, của CMCN 4.0, sự đoàn kết trí tuệ Việt sẽ tạo thành một sức mạnh mới, nguồn lực quan trọng để Việt Nam chủ động đón bắt các cơ hội mới, vận hội mới.

Chuyên đề