Chính phủ rất trách nhiệm trong giải trình về nợ công

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng việc đại diện Chính phủ giải trình rành mạch về nợ công trước Quốc hội thể hiện sự công khai, trách nhiệm, đồng thời thể hiện sự sẵn sàng của Chính phủ trong việc phân tích, tìm giải pháp để giải quyết vấn đề.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên. Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên. Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Mới đây, khi giải trình về vấn đề nợ công trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết nợ công giai đoạn 2011-2015 tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn với tốc độ tăng 18,4%/năm, cao gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Ông đánh giá như thế nào về con số này?

Ông Trần Đình Thiên: Việc đưa con số này thể hiện sự công khai, thái độ rất có trách nhiệm của Chính phủ. Có lẽ chưa lần nào một vị lãnh đạo trong Chính phủ, cụ thể là Bộ trưởng Tài chính đưa ra con số rành mạch và đầy sự can đảm như thế này. Tốc độ tăng nợ công nhanh dẫn đến rủi ro mất cân đối tiềm tàng lớn. Lần này, sự thừa nhận thẳng thắn cũng hàm ý Chính phủ sẵn sàng đối diện, đối mặt với việc phân tích, làm rõ tình hình và tìm ra giải pháp đích thực để giải quyết vấn đề.

Các chỉ số về nợ công tiềm ẩn hoặc nguy cơ tiệm cận vượt ngưỡng cho phép nếu tính cả các khoản nợ ngân sách, các khoản nợ có khả năng chuyển đổi thành nợ công, có nguy cơ tác động tiêu cực đến cân đối ngân sách và tăng trưởng kinh tế dài hạn. Ông hãy phân tích sâu hơn về khía cạnh này?

Ông Trần Đình Thiên: Thực ra câu chuyện nợ công vẫn có những điểm phải làm chi tiết hơn. Ví dụ nợ của doanh nghiệp, nợ được Chính phủ bảo lãnh để đi vay… cần phải rõ ràng. Nên cách tiếp cận phải công khai, minh bạch, chi tiết hơn thì chúng ta sẽ có thể thấy bức tranh còn khác hơn nữa.

Trở lại vấn đề trần nợ công, tức là 65% GDP chẳng hạn. Tất nhiên chỉ số này rất quan trọng theo ý nghĩa chỉ số GDP nhỏ mà nợ công lớn thể hiện nền kinh tế yếu, khả năng đáp ứng có vấn đề. Nhưng bản chất của tỷ lệ này chưa nói đến mối đe dọa trực tiếp mà mang tính cảnh báo nhiều hơn.

Ta nói nợ vượt quá 65% nguy hiểm tức là giá trị cảnh báo, chứ không phải vượt ngưỡng đó là sụp đổ. Nên chúng ra phải thảo luận cho rõ, dồn sức bàn về tỷ lệ đó là hơi thiên lệch, vì chưa phải thảm họa trực tiếp.

Nhưng tôi và một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải bàn luận nghiêm túc và mổ xẻ sâu hơn nữa về tương quan giữa nghĩa vụ trả nợ hàng năm và thu ngân sách. Tỷ lệ này rất quan trọng vì quyết định việc có năng lực trả nợ hay không. Nếu năm nay đầu tư rồi, phần giành cho trả nợ không có thì mối nguy hiểm hiện ra ngay, gây phương hại đến lòng tin, tổn hại kinh tế trực tiếp.

Hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công là một trong những giải pháp trọng tâm được đưa ra. Theo ông, công tác này cần phải tập trung triển khai vào những lĩnh vực cụ thể, ưu tiên nào?

Ông Trần Đình Thiên: Vay nợ phục vụ chi tiêu Chính phủ, trong đó có chi thường xuyên và đầu tư. Một là bộ máy phình to, tuy lương không cao nhưng hầu như ngân sách tập trung cho khoản chi tiêu thường xuyên. Vấn đề hiệu quả của bộ máy, thể chế điều hành, tổ chức bộ máy Nhà nước là câu chuyện lớn. Tính chuyên nghiệp không có, ta bàn nhiều nhưng giải pháp cần làm là tiền tệ hóa tiền lương.

Thêm vào đó, để đầu tư công, phân bổ nguồn lực không lãng phí để hiệu quả sự dụng đồng vốn vay tốt lên. Mấu chốt vấn đề có lẽ chính là Luật Ngân sách của chúng ta chưa đoạn tuyệt tư tưởng cũ, vẫn là Trung ương - địa phương, theo nghĩa là cùng một hệ thống. Đó là xin - cho. Tư duy lại về Luật Ngân sách, chúng ta đối chiếu và đặt trên mặt bằng với những tiêu chuẩn quốc tế vì chúng ta đã cam kết hội nhập. Cần bàn lại một cách cơ bản việc hoàn thiện thể chế trên tinh thần đó.

Bộ trưởng Tài chính khẳng định trong thời gian tới sẽ rà soát lại, siết chặt đầu tư công. Theo ông, “thắt lưng buộc bụng” trong đầu tư công có giúp giảm nợ công hiệu quả?

Ông Trần Đình Thiên: Những tín hiệu ban đầu của Chính phủ mới rất rõ ràng, tuyệt vời, tạo lòng tin, nhưng đừng để dừng lại ở những tín hiệu rời rạc, phải hóa thành cơ chế. “Thắt lưng buộc bụng” phải đi kèm thay đổi cơ chế. Tốt nhất là hạn chế những dự án không hiệu quả, không thông qua những dự án này, chứ đến lúc thông qua rồi, để không nuôi những dự án đó nữa thì thiệt hại đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Phải rà roát toàn bộ quy trình xin - cho thông qua các dự án. Quan trọng là cách để chúng ta phân bổ nguồn lực ngay từ đầu cần dựa trên nguyên tắc thị trường như thế nào, phải trên cơ sở công khai minh bạch như thế nào, phải đưa yêu cầu những thẩm định về mặt xã hội thì quy trình phải chặt chẽ.

Về câu chuyện phân bổ ngân sách đầu tư công, từ trước đến nay tồn tại hai quan điểm ngược chiều nhau. Một bên cho là cần tập trung đầu tư ưu tiên cho một số ngành, địa phương có tính động lực, đầu tàu để thúc đẩy phát triển nhanh hơn nhưng những địa phương khó khăn cũng cần quan tâm để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển. Đây là nhu cầu lớn trong khi khả năng của chúng ta hạn hẹp. Làm sao để giải quyết bài toán này, thưa ông?

Ông Trần Đình Thiên: Lý lẽ nào cũng có sự chính đáng riêng. Nhưng không nên đặt vấn đề là đầu tư thêm cho tỉnh nào là vì lợi ích riêng của tỉnh ấy. Cách đặt vấn đề đó là sai hoàn toàn. Chúng ta phải dựa trên luận điểm nguyên lý giữa đầu tàu và toa tàu. Nếu chúng ta làm tốt cho đầu tàu thì sức kéo mạnh hơn. Cố gắng bảo đảm mức tối thiểu cho các tỉnh nghèo, phải có cam kết về việc này. Cần lập luận rõ ràng, ở đây không phải là bình quân chủ nghĩa và giai đoạn này nên tập trung cho các ngành mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm, những đầu tàu để kinh tế có thể trỗi dậy. Nguyên tắc là không phải cho Hà Nội hay TPHCM được hưởng những ưu tiên riêng biệt mà là việc hệ thống của chúng ta phải thiết lập được phương thức lan tỏa, để khi các đầu tàu được hưởng ưu đãi thì phải tác động, lan tỏa đến các nơi khác. Chúng ta cần tập trung cho những tọa độ quan trọng trước, nhưng chỗ khó khăn cũng phải được hỗ trợ ở mức tối thiểu.

Cảm ơn ông! 

Chuyên đề