Chính phủ cần đề ra giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả

(BĐT) - Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 37, ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Toàn cảnh Phiên họp thứ 37, ngày 12/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Bảo Yến
Toàn cảnh Phiên họp thứ 37, ngày 12/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Bảo Yến

Theo Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga, năm 2019, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ triển khai tích cực, đồng bộ và có hiệu quả, tuy nhiên việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương vẫn còn hạn chế.

Chủ nhiệm UBTP nêu rõ, dư luận cử tri cho rằng, trong các hoạt động cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi. Do đó, Chính phủ cần phải tổng kết, đánh giá, nhận diện để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả, sát với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần nhận diện rõ tình trạng “tham nhũng vặt” (nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp) tập trung ở những ngành, lĩnh vực nào để đề ra giải pháp phòng, chống phù hợp. Đặc biệt là cần xác định rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc để xảy ra tình trạng “tham nhũng vặt” thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

Đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng lớn dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, đề nghị Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ tổng kết, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cán bộ, phòng chống tham nhũng để đề ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa trong thời gian tới và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 năm 2020…         

Chuyên đề