Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang: Lợi và hại với kinh tế Việt Nam

(BĐT) - Từ cả hai chiều ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay, việc theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên thị trường hàng hóa và thị trường ngoại hối là cần thiết để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Xuất khẩu hàng hóa sẽ được hưởng lợi khi có thêm các đơn hàng từ phía Mỹ chuyển dịch sang. Ảnh: Lê Tiên
Xuất khẩu hàng hóa sẽ được hưởng lợi khi có thêm các đơn hàng từ phía Mỹ chuyển dịch sang. Ảnh: Lê Tiên

Tác động sẽ rõ ràng hơn

Từ trưa ngày 10/5 (giờ Việt Nam), Mỹ đã chính thức nâng thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong khi cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước tiếp tục diễn ra ở Washington. Hãng tin CNBC cho biết, Bộ Thương mại Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố sẽ có động thái đáp trả hành động này của Mỹ.

Diễn biến này đã đẩy cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lên một ngưỡng mới và có nguy cơ gây ra những xáo trộn trên thị trường kinh tế - tài chính toàn cầu, cũng như tăng thêm lo ngại về sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Bình luận về động thái mới này, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, mức thuế quan này vẫn nằm trong kịch bản Mỹ đưa ra trước đó. “Động thái nâng mức thuế quan từ 10% lên 25% sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn, do đó, biểu hiện về dịch chuyển hàng hóa, dòng vốn đầu tư sẽ rõ ràng hơn”, ông Thắng nói.

Nghiên cứu của NCIF về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tác động tới kinh tế Việt Nam nêu rõ: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể giảm do kinh tế thế giới và các đối tác thương mại chính bị suy giảm. Mức tác động tới GDP tăng dần và đạt cao nhất trong khoảng thời gian từ 2020 - 2030, làm giảm tăng trưởng hàng năm từ 0,52% đến 0,55%”.

Về thương mại, theo nghiên cứu nói trên, tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.

Tác động tích cực là cơ hội mở rộng thị trường ở Mỹ nếu hàng xuất khẩu (XK) của Trung Quốc bị hạn chế. Khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể hưởng lợi nhiều hơn, đặc biệt nhóm ngành sử dụng hàng nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc và XK sang Mỹ.

Ngược lại, Việt Nam có thể chịu tác động tiêu cực do tốc độ tăng trưởng chung toàn cầu giảm kéo theo cầu về hàng XK của Việt Nam giảm. Ở một góc độ khác, khi hàng Trung Quốc XK vào Mỹ bị áp thuế cao hơn, Trung Quốc có thể có những chính sách phá giá, đẩy hàng hóa sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. Điều này tạo ra sức ép cho DN nội địa, đặc biệt là các DN sản xuất hàng tiêu dùng.

Theo dõi dòng lưu chuyển hàng hóa trên thị trường, Bộ Công Thương cho rằng, từ nay tới cuối năm, XK hàng hóa sẽ có yếu tố tích cực khi có thêm các đơn hàng từ phía Mỹ chuyển dịch sang. Đặc biệt, việc Mỹ giảm bớt các rào cản thương mại, kỹ thuật đối với thủy sản và mở cửa đối với các loại trái cây Việt Nam cũng sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường này. 

Cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ

Diễn biến và tác động của cuộc chiến này đã được các cơ quan điều hành theo dõi và có động thái ứng biến trong thời gian qua.

Từ góc độ cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Ngân hàng Nhà nước đã bám sát thị trường, chủ động trong điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm để mở rộng biên độ cho thị trường biến động, sẵn sàng điều chỉnh bằng các công cụ chính sách tiền tệ và trấn an tâm lý của thị trường. Ngân hàng Nhà nước chủ động và đủ năng lực ứng phó”.

Liên quan đến tỷ giá, NCIF nhận xét, tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng và có lợi cho XK của Việt Nam. Trung tâm nghiên cứu này cho rằng, cần chú ý là VND giảm giá so với USD ở mức ít hơn đáng kể mức giảm giá của đồng nhân dân tệ so với USD, tức là VND lên giá đáng kể so với nhân dân tệ.

Trong thời gian tới, chính sách tỷ giá cần tiếp tục linh hoạt và thận trọng nhằm tránh xáo trộn lớn ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu và ổn định kinh tế vĩ mô.

Từ phía Bộ Công Thương, cơ quan này đề xuất cần tiếp tục theo dõi sát biến động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy XK những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để XK, tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.

Đồng tình với quan điểm của Bộ Công Thương, ông Trần Toàn Thắng nhấn mạnh: “Từ phía DN, cần lưu ý, khi mức thuế tăng, khả năng Mỹ giám sát hàng hóa Trung Quốc “đội lốt” tràn vào Mỹ là rất cao. Bởi vậy, để tránh việc này, DN Việt Nam cần cảnh giác, đảm bảo xuất xứ hàng hóa tốt để giữ thị trường”.

Chuyên đề