Chia sẻ kinh nghiệm Hàn Quốc trong cải thiện nguồn nhân lực và phát triển khoa học công nghệ

(BĐT) - Hôm nay (24/3), Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ KH&ĐT) cùng với Diễn đàn Hiện tại – Tương lai Hàn Quốc đã tổ chức Diễn đàn quốc tế Việt Nam – Hàn Quốc với chủ đề "Cải cách quốc gia và phát triển bền vững Đông Nam Á".
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định, thế giới đang đứng trước rất nhiều biến động lớn và ngày càng khó lường với những xu thế lớn trái ngược nhau đang đặt các QG đứng trước vận hội và thách thức rất lớn. Ảnh: Trần Tuyết
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định, thế giới đang đứng trước rất nhiều biến động lớn và ngày càng khó lường với những xu thế lớn trái ngược nhau đang đặt các QG đứng trước vận hội và thách thức rất lớn. Ảnh: Trần Tuyết

Diễn đàn là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc và đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam liên quan đến các vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua cải thiện chất lượng lao động; phát triển khoa học công nghệ hướng tới phát triển bền vững quốc gia.

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận định, thế giới đang đứng trước rất nhiều biến động lớn và ngày càng khó lường với những xu thế lớn trái ngược nhau đang đặt các quốc gia đứng trước vận hội và thách thức rất lớn. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải tiến hành cải cách cơ cấu mạnh mẽ và triệt để để tiếp tục tăng trưởng và phát triển, trong đó nhân lực và khoa học công nghệ là hai lĩnh vực cốt yếu.

“Do đó, câu hỏi đặt ra cho Việt nam là làm thế nào để tận dụng hiệu quả nhất những năm ít ỏi còn lại của thời kỳ dân số vàng cho tăng trưởng kinh tế, nhất là thông qua nâng cao năng suất lao động? Làm thế nào để nền khoa học công nghệ có thể hòa nhịp cùng chiều với cuộc cách mạng công nghiệp lân thứ 4 của thế giới đang sắp sửa diễn ra? Hoặc Việt Nam cần tiến hành hợp tác quốc tế như thế nào để có thể tận dụng hiệu quả nhất những tri thức, kinh nghiệm mà các nước phát triển đi trước chia sẻ?” – Thứ trưởng Đặng Huy Đông đặt câu hỏi dẫn đề tại Diễn đàn.

Theo ông Hahm Seung Heui, Chủ tịch Diễn đàn Hiện tại – Tương lai Hàn Quốc chia sẻ, 60 năm qua, Hàn Quốc đã chạy những bước rất vội vã. Nhờ sự phát triển kinh tế nhanh chóng, thu nhập quốc dân từ xuất phát điểm 50 USD nay đang đứng trước kỷ nguyên 30.000 USD, chủ nghĩa dân chủ cũng được hình thành. Sự phát triển quốc gia theo kiểu Hàn Quốc như thế này đã nổi lên như một mô hình hấp dẫn được các nước mới nổi lấy làm hình mẫu. Ngoài ra, mặc dù gặp phải khủng hoảng tài chính IMF nhưng dựa trên sức mạnh tiềm tàng lạ kỳ, Hàn Quốc đã khiến thế giới phải ngạc nhiên vì không ngừng phát triển.

Tuy nhiên, giờ đây, kỷ nguyên đó đã dần dần trôi qua. Cơ chế tăng trưởng cao độ đã gặp phải hạn chế. Chủ nghĩa dân chủ cũng không thể tác động tốt như kỳ vọng. Ngay lúc này đây, thời hạn có hiệu lực của hình mẫu quốc gia phát triển Đông Á của Hàn Quốc đã dần kết thúc.

Trong khi đó, Việt Nam đã gia nhập nền kinh tế thị trường bằng chính sách Đổi mới năm 1986 và sau khi bước chân vào xã hội công nghiệp hiện đại đã và đang duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Việt Nam cũng đã ban hành chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 và thông qua các hiệp định kinh tế, thương mại thế giới (gia nhập WTO, ký kết FTA), Việt Nam đang tích cực tiến vào thị trường toàn cầu và đang thực hiện tầm nhìn tiến đến trở thành nước công nghiệp.

Trong động lực tăng trưởng kinh tế nhảy vọt của Việt Nam, điều kiện địa lý giáp biển và đất liền của các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc cũng như chính sách mở cửa của chính phủ và nguồn tài nguyên, nhân lực trẻ đang trở thành yếu tố nền tảng.

Song, theo báo cáo phân tích môi trường kinh doanh (Doing Business Report) của Ngân hàng thế giới năm 2016, Việt Nam xếp thứ 90 trong 189 nước tham gia xếp hạng. Trong các quốc gia khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp hạng cao hơn Philippin, Indonesia nhưng thấp hơn ngay cả Malaysia, Thái Lan. Ngoài ra, theo báo cáo về môi trường đầu tư của Bộ Nội vụ Mỹ, những vấn đề mãn tính như thiếu hụt cơ sở pháp lý, chế độ chính sách, thiếu nguồn lao động lành nghề, sự phổ biến của nạn tham ô tham nhũng của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện, cơ cấu kinh tế dễ bị tổn thưởng bởi tác động của bên ngoài, sự tồn đọng của nhập siêu, sự thiếu hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, xu hướng giảm viện trợ nước ngoài (ODA) đang được chỉ ra là những nhân tố gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế bền vững.

Dựa trên quan điểm Hàn Quốc và Việt Nam có rất nhiều điểm chung về văn hoá, lịch sử và sự tương đồng về giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội, ông Hahm Seung Heui cho rằng, sự chia sẻ kinh nghiệm phát triển của các quốc gia có môi trường công nghiệp tương đồng sẽ giúp ích nhiều cho việc phá bỏ các nhân tố cản trở mà Việt Nam đang gặp phải cũng như đạt được tầm nhìn trở thành nước công nghiệp phát triển.

Chuyên đề