Chế biến, chế tạo có nhiều tín hiệu lạc quan

(BĐT) - Kết thúc 9 tháng năm 2017, công nghiệp chế biến, chế tạo đã có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. 
Có 91,1% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tăng lên. Ảnh: Lê Tiên
Có 91,1% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tăng lên. Ảnh: Lê Tiên

Với đà tăng trưởng ấn tượng của ngành này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 là có thể đạt được.

Những tín hiệu vui

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, ước tính tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng tăng 6,41%. Trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng ấn tượng 12,8%. Đây là mức tăng cao nhất của ngành này trong nhiều năm qua, đóng góp 9 điểm phần trăm vào mức tăng chung của ngành công nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đánh giá, tốc độ tăng trưởng cao của công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp, phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng và hạn chế phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng 2017 tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 điển hình như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 25,1% (tập trung ở sản xuất điện thoại di động thông minh giá trị cao và linh kiện sản xuất toàn cầu); sản xuất kim loại tăng 21,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 14,2%… Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ 2016 là tivi tăng 31,6%; sắt, thép thô tăng 28%; thép cán tăng 23,2%...

Không chỉ tăng trưởng cao trong sản xuất, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng rất tích cực. Chỉ số tiêu thụ trong tháng 8/2017 tăng 3,4% so với tháng 7/2017 và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung 8 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2016 tăng 8,3%). Những ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao có thể kể đến như dệt may tăng 31,7%; sản xuất kinh doanh kim loại tăng 22,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,4%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 15,9%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 15%. 

Doanh nghiệp lạc quan

Cùng với xu hướng tích cực trong sản xuất, có tới 89% DN dự báo, trong quý IV/2017 số đơn đặt hàng sẽ tăng lên và giữ ổn định. Những ngành có tỷ lệ dự báo cao về triển vọng đơn hàng mới quý IV tăng lên so với quý III lần lượt là: sản xuất thuốc lá; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu...
Dự báo về tình hình sản xuất và tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong các tháng cuối năm 2017, tại cuộc họp giao ban tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng do Bộ KH&ĐT tổ chức mới đây, đại diện Bộ Công Thương lạc quan cho rằng: “Những tháng cuối năm, dự báo ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng mạnh, đóng góp chung vào tăng trưởng của nền kinh tế”. Theo tính toán của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 của cả nước có thể đạt con số 202 tỷ USD, cao hơn mức dự báo đưa ra hồi tháng 6/2017 là 200 tỷ USD. Kết quả đó sẽ có sự đóng góp rất lớn của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Kết quả cuộc điều tra 6.500 doanh nghiệp (DN) về xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quý của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III và quý IV vừa được Tổng cục Thống kê hoàn thành cho thấy, các DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh đều tốt lên. 

Cụ thể, về khối lượng sản xuất, có tới 91,1% DN dự báo khối lượng sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tăng lên, chỉ có 9,9% DN dự báo khối lượng sẽ giảm. Theo hình thức sở hữu, khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục là khu vực có đánh giá khả quan nhất với 92% DN dự báo tăng lên và giữ ổn định; tiếp đến là khu vực DN nhà nước; khu vực DN ngoài nhà nước đạt tỷ lệ thấp nhất nhưng vẫn khá cao với 89,3% DN dự báo tăng lên và giữ ổn định.

Cùng với xu hướng tích cực trong sản xuất, có tới 89% DN dự báo, trong quý IV/2017 số đơn đặt hàng sẽ tăng lên và giữ ổn định. Những ngành có tỷ lệ dự báo cao về triển vọng đơn hàng mới quý IV tăng lên so với quý III lần lượt là: sản xuất thuốc lá; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất thiết bị điện...

Về chi phí sản xuất, kết quả của cuộc điều tra cho thấy, chi phí cho một đơn vị sản phẩm chính được các DN dự báo sẽ thấp hơn quý III/2017 khi có tới 72% DN dự báo có chi phí ổn định và 9,6% DN dự báo chi phí sản xuất giảm. Một số ngành dự báo có chi phí sản xuất giảm nhiều so với quý III là: sản xuất kim loại, sản xuất đồ uống; chế biến thực phẩm, sản xuất thuốc lá…

Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thống kê, kết quả dự báo về tình hình sử dụng lao động; sử dụng công suất máy móc, thiết bị; tồn kho sản phẩm… đều cho thấy một xu hướng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều khởi sắc.

Chuyên đề