Chạy nước rút để đạt mục tiêu tăng trưởng

(BĐT) - Bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm là sự đan xen của những mảng sáng tối, những tín hiệu tích cực song hành với khó khăn, thách thức. Nhiều chỉ tiêu vẫn còn xa so với kế hoạch, đòi hỏi để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, chặng đường còn lại, toàn nền kinh tế phải “chạy nước rút” với tốc độ cao hơn, mạnh mẽ hơn.
Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khó đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Ảnh: Lê Tiên
Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khó đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Ảnh: Lê Tiên

Trong đó, theo nhiều ý kiến, một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng đang rất cần sự quyết tâm, nỗ lực cao trong các tháng cuối năm để đạt kế hoạch đề ra như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và giải ngân vốn đầu tư công. 

Gian nan đạt chỉ tiêu sản xuất công nghiệp, xuất khẩu

Hai chỉ tiêu kinh tế quan trọng là sản xuất công nghiệp và xuất khẩu được đại diện Bộ Công Thương nhận định đang rất khó khăn để đạt mục tiêu kế hoạch. Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2016 tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành dầu khí, sản lượng dầu thô khai thác giảm hơn 9%; sản xuất than tăng ít, chỉ tăng 1,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo dù có tăng nhưng không tăng cao so với các năm trước. 3 tháng tới, sản xuất công nghiệp có thể tăng trưởng cao hơn, nhưng mức tăng của cả năm sẽ không cao hơn so với năm ngoái.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Công Thương nhận định, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cũng hết sức khó khăn, nỗ lực hết sức cả năm có thể tăng 8,2%, khó đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là tăng 10%.

Theo tổng hợp sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 15 tỷ USD, giảm 6,8% so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 10,5 tỷ USD, giảm 6,5%. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 128,2 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 9 ước đạt 15,1 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng trước, trong đó, nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 9,05 tỷ USD, tăng 0,9%. Tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 125,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 2,77 tỷ USD, chiếm 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu khoảng 15,45 tỷ USD, khu vực trong nước nhập siêu 14,38 tỷ USD. 

Buồn vui giải ngân vốn đầu tư công

Theo số liệu của Bộ Tài chính, thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ, tình hình giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương có cải thiện.

Đại diện Sở KH&ĐT Hải Phòng cho biết, giải ngân vốn đầu tư công của địa phương này tương đối tốt, tính chung tất cả các nguồn vốn giải ngân đến nay đạt 60% kế hoạch, riêng vốn ODA đạt gần 80%. Hải Phòng không có vướng mắc gì lớn trong giải ngân vốn đầu tư công.

Trong 9 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 2,77 tỷ USD, chiếm 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu khoảng 15,45 tỷ USD, khu vực trong nước nhập siêu 14,38 tỷ USD. 
Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Ngọc Nam, kế hoạch vốn giao cho Thành phố hơn 24 nghìn tỷ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 13 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ giải ngân 56%. Riêng vốn ODA, đã giải ngân hơn 94% kế hoạch, có thể coi là tỷ lệ kỷ lục so với nhiều năm gần đây.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM cũng cho biết, giải ngân vốn đầu tư công tính đến 20/9 đạt 51% so với kế hoạch giao. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, Thành phố đã quyết liệt, tập trung cao cho việc giải ngân vốn.

Bên cạnh những bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân được trên 50% kế hoạch, tình hình giải ngân vốn đầu tư công của nhiều bộ, ngành, địa phương đang rất khó khăn.

Theo Bộ Tài chính, nhìn vào con số giải ngân 8 tháng qua, vẫn còn nhiều bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, đặc biệt là vốn ODA và vốn trái phiếu chính phủ (TPCP). Trong đó, về vốn ODA, 2 bộ được giao vốn lớn là Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo có tỷ lệ giải ngân rất thấp; hàng chục địa phương hết 8 tháng không giải ngân được một đồng vốn ODA nào, như Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh. Về vốn TPCP, nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch năm như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hưng Yên, Quảng Ngãi, Gia Lai, Tây Ninh, Tiền Giang, Sóc Trăng.

Bộ được giao kế hoạch vốn lớn nhất là Bộ Giao thông vận tải, đến nay, tính chung tất cả các nguồn vốn, bộ này đã giải ngân khoảng 40% kế hoạch được giao. Trong đó, vốn nước ngoài giải ngân đạt 72% kế hoạch, từ nay đến cuối năm còn khoảng 4.500 tỷ đồng dự kiến sẽ giải ngân hết kế hoạch được giao, nếu được bổ sung vốn đối ứng sẽ giải ngân vượt kế hoạch. Vốn đối ứng được giao 2.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 68%. Vốn ngân sách nhà nước giải ngân được 82% kế hoạch. Tuy nhiên, vốn TPCP mới giải ngân được 14% kế hoạch được giao, nguyên nhân chậm so với mọi năm là do hầu hết các dự án được giao ở cuối kỳ kế hoạch nên tiến độ giải ngân đang phụ thuộc rất nhiều vào việc quyết toán.

Nhận định chung về tình hình kinh tế các tháng cuối năm, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng, chỉ còn 3 tháng nữa để hoàn thành kế hoạch kinh tế năm 2016, nếu không có giải pháp cụ thể, triển khai quyết liệt, thì rất khó để đạt được các mục tiêu năm 2016, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Chuyên đề