Chất lượng tăng trưởng bền vững hơn

(BĐT) - Những điểm sáng của bức tranh kinh tế 9 tháng năm 2018 đang tiếp tục củng cố niềm tin về một năm kinh tế sáng lạn. 
CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt 6,88%, tăng trưởng xuất khẩu ở mức 13,3%, thặng dư thương mại 5,1 tỷ USD, lạm phát bình quân đạt 3,97%. Ảnh: Lê Tiên
CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt 6,88%, tăng trưởng xuất khẩu ở mức 13,3%, thặng dư thương mại 5,1 tỷ USD, lạm phát bình quân đạt 3,97%. Ảnh: Lê Tiên

Điểm nổi bật trong bức tranh này là chất lượng tăng trưởng đang có những cải thiện rõ rệt, dựa trên những nền tảng bền vững, từ đó tiếp đà thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 cũng như giai đoạn tiếp theo.

Tăng trưởng dựa nhiều hơn vào phía cung

Đánh giá về tăng trưởng kinh tế quý III và 9 tháng đầu năm, tại Hội thảo “Tiếp tục khơi dòng cải cách và củng cố niềm tin đầu tư” diễn ra ngày 17/10, tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, điểm nổi bật của nền kinh tế trong quý III/2018 là tốc độ tăng GDP đạt 6,88% và tính chung 9 tháng đạt 6,98%, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước. Nhờ đó, áp lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong quý IV giảm đáng kể. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì đà phục hồi, tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ tăng khá…

Đánh giá về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, bên lề Hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM - cho rằng, chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang tốt lên. Báo cáo chính thức của Chính phủ xác định tăng trưởng của 9 tháng năm 2018 cao nhất trong 8 năm qua. “Điều này không ngạc nhiên, bởi chúng ta đã ổn định theo hướng ngày càng vững chắc hơn. Trên thực tế, hai yếu tố có tính chất nền tảng là kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh đang chuyển hướng rõ nét, là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng”, ông Cung nhấn mạnh và cho rằng, tăng trưởng theo hướng này sẽ tạo sự ổn định, bền vững cho nền kinh tế. Và cũng chính từ nền tảng này, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2018 đã đạt được những kết quả rõ nét.

“Nông nghiệp nước ta hai năm nay tăng trưởng khoảng 4%, có thay đổi về chất và cơ cấu sản phẩm. Tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) nhà nước có những thay đổi về chất với việc thay đổi cách thức quản lý DN, thay đổi về cơ cấu đầu tư của DN, cổ phần hóa…”, ông Cung phân tích.

Khẳng định chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế đang trên đà tích cực, báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ cũng nhấn mạnh chuyển động này. Theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế đang chuyển sang chiều sâu. Mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng ngày một lớn, năm 2016 là 40,68%, tăng lên 45,19% năm 2017. Năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần khai khoáng; vai trò của khu vực tư nhân gia tăng…

 “Từ những yếu tố như vậy, tôi nhìn thấy cách thức tăng trưởng tốt lên. Tăng trưởng đã không dựa vào khai thác khoáng sản hay mở rộng cung tiền tệ, mà dựa nhiều hơn vào phía cung của nền kinh tế, dựa vào tăng năng suất, sử dụng hiệu quả nguồn lực”, ông Cung nhận định.               

Vẫn còn nhiều thách thức

Các phân tích sâu cả về định tính và định lượng đưa ra tại Hội thảo cho thấy, dù đạt được mức tăng trưởng cao nhưng trong bối cảnh thương mại và thị trường thế giới có nhiều biến động lớn khiến điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam gặp không ít thách thức. Câu hỏi đặt ra là, nền kinh tế nước ta có những gì để duy trì mức tăng trưởng cao trong giai đoạn 2019 - 2020 và những năm tiếp theo?

Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo CIEM cho rằng, chúng ta có kinh tế vĩ mô đang ổn định và tiếp tục củng cố thêm; tái cơ cấu kinh tế có kết quả nhất định, nhất là về phía cung; cải thiện môi trường kinh doanh có kết quả rõ rệt; Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có hiệu lực; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đi vào hoạt động… Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn rất nhiều thách thức ở phía trước.

“Ngân sách nhà nước tuy giảm thâm hụt nhưng vẫn là khâu yếu. Tăng thu chưa minh bạch, đầu tư công vẫn là vấn đề “nóng”; xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng… Đặc biệt, khi chúng ta đang xem cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội thì nhận thức về cuộc cách mạng này vẫn chưa đầy đủ, chưa chú trọng hiện thực hóa các cơ hội”, ông Cung trăn trở.

Lo ngại về việc chưa tận dụng tốt các cơ hội, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, DN Việt Nam chưa nắm được cơ hội từ các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia. “ASEAN là thị trường sát sườn và cũng là thị trường lớn cho các DN trong nước, nhưng đến nay chúng ta vẫn chỉ có rất ít DN đầu tư vào các nước này. Ngược lại, hiện có rất nhiều DN của Thái Lan, Singapore… hiện diện ở Việt Nam”.

Bổ sung thêm, TS. Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế, nhận xét: “Chất lượng tăng trưởng có thay đổi, song chưa đáng kể, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư vẫn rất thấp”.

Tại báo cáo nêu trên, Chính phủ cũng nhìn nhận, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để có những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Bởi vậy, các ý kiến đưa ra tiếp tục tập trung nhấn mạnh việc ổn định vĩ mô, cải thiện nền tảng kinh tế, tạo niềm tin cho DN yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Chuyên đề