CEO toàn cầu đang phục hồi mức độ lạc quan trong kinh doanh

(BĐT) - Mặc dù vừa trải qua một năm bất ổn (năm 2016) nhưng các CEO trên thế giới đang trên đà hồi phục mức độ lạc quan với nhiều dấu hiệu tích cực. Đó là nhận định của ông Bob Moritz, Chủ tịch toàn cầu của PwC tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) vừa được diễn ra.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) vừa được diễn ra.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) vừa được diễn ra.

Khảo sát CEO Thường niên Toàn cầu lần thứ 20 của PwC cho thấy, 38% các CEO rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp mình trong 12 tháng tới (trong khi tỷ lệ này năm 2016 là 35%). Trong khi đó 29% kỳ vọng rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện trong năm 2017 (năm 2016 là 27%).

Kết quả khảo sát cho biết, mặc dù các lãnh đạo doanh nghiệp tự tin hơn về triển vọng của doanh nghiệp mình thì họ vẫn rất lo lắng về tình hình kinh tế bất ổn định (82% CEO trả lời), thể chế thắt chặt (80%) và tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng cần thiết (77%). 59% các CEO cũng ngày càng quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ.

Ông Bob Moritz thông tin, bên cạnh sự lạc quan vào triển vọng tăng trưởng thì các CEO cũng chia sẻ ba mối quan tâm lớn nhất, đó là có được chiến lược hiệu quả về con người và công nghệ nhằm xây dựng một nguồn nhân lực phù hợp cho thời đại kỹ thuật số; giữ vững niềm tin vào doanh nghiệp trong một thế giới nơi tương tác ảo đang trở nên phổ biến; và thúc đẩy toàn cầu hóa mang lại lợi ích cho mọi người thông qua hợp tác mạnh mẽ hơn giữa doanh nghiệp và xã hội.

Về những điểm đến với tiềm năng tăng trưởng lớn, theo Khảo sát CEO lần thứ nhất của PwC thì các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ từng đem lại cơ hội thành công cao. Tuy nhiên, sự thay đổi liên tục của các thị trường dưới tác động của biến động tỷ giá đã khiến các CEO mở rộng phạm vi đầu tư sang các nước khác. Khảo sát năm nay cho thấy Mỹ, Đức và Anh đã trở thành địa chỉ mang lại cơ hội hơn, trong khi Brazil, Ấn Độ, Nga và Argentina đang kém hấp dẫn nhà đầu tư hơn so với 3 năm trước.

5 quốc gia quan trọng nhất đối với tăng trưởng là Mỹ, Trung Quốc, Đức, Anh và Nhật Bản. Trong đó, nước Anh đã trở nên hấp dẫn hơn đối với các CEO đến từ Mỹ (+4%), Trung Quốc (+11%), Đức (+8%) và Thụy Sĩ (+25%). Còn Thượng Hải, New York, London và Bắc Kinh được đánh giá là 4 thành phố quan trọng nhất đối với triển vọng tăng trưởng nói chung của doanh nghiệp trong vòng 12 tháng tới.
Đánh giá chung, ông Bob Moritz kết luận, các CEO lo ngại rằng tình trạng thiếu hụt các kỹ năng sẽ kìm hãm sự tăng trưởng và tính bền vững của doanh nghiệp. Và trong đó, kỹ năng mềm chính là những gì họ cần đến nhất. Những kỹ năng về đổi mới sáng tạo và quan hệ ứng xử không thể được đo lường rõ ràng.

“Vì vậy, suy cho cùng thì các CEO sẽ cần cân bằng giữa công nghệ và các kỹ năng không thể thay thế nếu muốn phát triển đúng hướng. Quản lý được kỳ vọng của các bên liên quan cũng sẽ giúp các doanh nghiệp có được sự tin tưởng cần thiết để tồn tại và phát triển. Nói tóm lại: việc ưu tiên yếu tố con người trong thế giới ảo này sẽ là điều kiện tiên quyết cho thành công trong tương lai.”

Chuyên đề