Cảnh báo tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong cắt giảm điều kiện kinh doanh

(BĐT) -  Hội nghị quốc tế: “Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng” đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới, Văn phòng Chính phủ và Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ đã chính thức khai mạc sáng nay 15/3, tại Hà Nội. Tại hội nghị nhiều đại biểu cho rằng, kết quả thực hiện Nghị quyết số 19 vẫn còn xa với thực tế.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Việt Anh
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Việt Anh

Sự kiện có sự quy tụ hơn 300 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển nhằm đánh giá kết quả cải thiện môi trường kinh doanh 2014-2017 và giới thiệu những nội dung, nhiệm vụ năm 2018; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh;…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung đánh giá cao những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam những năm gần đây thông qua việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, 4 năm gần đây, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã liên tục được cải thiện, trong đó năm 2017 tăng 14 bậc, từ vị trí 82 lên vị trí 68. Tuy nhiên, ông Trung nhận xét, tốc độ triển khai thực hiện chưa đồng đều, một số nơi còn rất chậm.

Bổ sung nhận xét này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, cải cách về điều kiện kinh doanh đến nay đã đạt được một số kết quả, chuyển động tích cực nhưng không đồng đều về quy mô, tốc độ và tính quyết liệt. Mục tiêu của Nghị quyết 19-2017/NQ-CP đặt ra cắt giảm 1/3 đến 1/2 số điều kiện doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý của các Bộ, nhưng đến nay chỉ có một số ít Bộ thực hiện được. Thực tế vẫn còn không ít Bộ vẫn chưa rà soát chi tiết, chưa thống nhất số lượng điều kiện doanh, không đề xuất bãi bỏ điều kiện kinh doanh như Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội… “Tính ra, đến nay các phương án cắt giảm trình lên chưa đạt mục tiêu bãi bỏ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh, thậm chí có những Bộ còn chưa ở ga xuất phát đầu tiên”, ông Cung nhận xét.

Ở cải cách về quản lý chuyên ngành, ông Cung cho rằng, đến nay đã đạt được một số kết quả nhưng mới chỉ là ban đầu, chưa hệ thống. Lý do là, cải cách quản lý chuyên ngành mới dừng lại ở việc giải quyết được một số vấn đề vụ việc đơn lẻ của DN, chưa có hệ thống để dự đoán được kết quả… Còn tại các địa phương, đến nay, không ít địa phương cũng khá tích cực nhưng kết quả đạt được vẫn chưa đồng đều.

Từ thực trạng đó, tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu có mặt đều chung đánh giá, nhiều chỉ tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đặt ra trong Nghị quyết 19 vẫn chưa đạt được, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực. Cụ thể là chúng ta chưa đạt được trung bình ASEAN 4 về môi trường kinh doanh; số điều kiện kinh doanh bãi bỏ còn thấp; số hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan mới giảm được 10 điểm % so với mục tiêu đề ra phải là giảm được ít nhất 20 điểm %...

Đặc biệt, theo ông Cung, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn còn. Diễn dịch cụ thể tình trạng này, ông Cung minh họa bằng 3 mệnh đề phản ánh đầy đủ từng cung bậc của việc thực thi Nghị quyết 19 tại Việt Nam hiện nay. Đầu tiên là Thủ tướng, Phó Thủ tướng nóng, nhưng một số Bộ trưởng vẫn còn lạnh; nhiều Chủ tịch tỉnh, thành phố còn chưa nóng. Tiếp đó, Bộ trưởng nóng nhưng nhiều Cục trưởng, Vụ trưởng chưa nóng, các chuyên viên còn lạnh, thậm chí rất lạnh,… Một số hiệp hội DN cũng chưa thấy nóng; chưa chủ động, tích cực đóng góp vào nỗ lực chung để cải thiện môi trường kinh doanh.

Chuyên đề