Cần giải pháp để đạt mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế

(BĐT) - Nền kinh tế nước ta đang bị thách thức nghiêm trọng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng như các tác động tiêu cực khác từ bên ngoài. Vì thế cần những giải pháp bảo đảm thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) trong năm 2020 có ý nghĩa quan trọng này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 diễn ra hôm nay (3/3).

Trong khó khăn, kinh tế vẫn còn nhiều điểm sáng

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp, tình hình KTXH tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 xuất hiện nhiều dấu hiệu có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô; nhiều chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, KTXH vẫn còn nhiều điểm sáng rất đáng mừng trong thời gian qua. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, ổn định; giá nhiều nhóm mặt hàng về cơ bản giữ ổn định, hoặc giảm; CPI tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước.

Xuất khẩu vẫn tăng trưởng; nhập siêu trong tầm kiểm soát. Xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ; xuất khẩu của khu vực FDI tăng 0,9% và trong nước tăng 6%.

Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng; dịch bệnh dần được kiểm soát (đàn gia cầm tăng 13,8%, đàn bò tăng 2,4%; diện tích rừng trồng tăng 1,3%; khai thác gỗ tăng 3,6%; sản lượng thủy sản tăng 2,7%).

Mặc dù chịu tác động mạnh của dịch COVID-19 nhưng các ngành công nghiệp vẫn được duy trì, ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá; IIP tháng 2/2020 ước tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước; IIP 2 tháng 2020 ước tăng 6,2%, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,4%...

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với cùng kỳ; với trên 17.400 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 364.000 tỷ đồng (tăng 9,1% về số doanh nghiệp và tăng 47,1% về số vốn đăng ký). Có gần 12.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 17,1%). Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm với trên 28.000 doanh nghiệp.

Chính phủ thấu hiểu khó khăn trong sản xuất, kinh doanh

Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam.

Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng nêu bật do dịch COVID-19, tất cả các nền kinh tế lớn của thế giới đều bị ảnh hưởng. Doanh thu hàng không toàn cầu được dự báo là thiệt hại khoảng 30 tỷ USD; du lịch thiệt hại khoảng 80 tỷ USD. Tâm lý bi quan khiến tất cả thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm mạnh. USD tăng giá mạnh (đã tăng 4% kể từ đầu năm); giá vàng tăng cao nhất trong 7 năm qua; giá dầu thế giới đã giảm thấp, có thời điểm xuống dưới 50 USD/thùng.

Đối với Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định, dịch bệnh COVID-19 có tác động trước hết đến hàng không, du lịch, dịch vụ, tiếp đến là thương mại, đầu tư, đặc biệt là gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất.

Tuy có một số điểm sáng, nhưng nhiều chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện giảm 5%; vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 9,3%); vận tải hành khách tăng 3,8% (cùng kỳ tăng 10,2%). Khách quốc tế tăng 4,8%, mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 5,4% và 5,91%; mức tăng cao nhất trong 7 năm qua.

Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý cho một chỉ thị mới, trong đó đưa ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Chính phủ thấu hiểu điều này, các ngành, các cấp phải thấu hiểu để có biện pháp chỉ đạo sát hơn.

Chuyên đề